Những miệng núi lửa âm ở Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Nhiều miệng núi lửa đã tắt từ hàng triệu năm trước tạo nên những thung lũng rộng lớn trong lòng đô thị Pleiku. Đây chính là đặc trưng cảnh quan của phố núi Pleiku hiếm nơi nào có được.

Núi lửa âm là khái niệm chỉ những hố sụt, vốn là miệng núi lửa đã tắt, giờ trở thành thung lũng. Ở Pleiku, hầu hết những thung lũng này có diện tích hàng chục héc ta từ lâu được người dân khai phá để làm ruộng lúa nước hoặc trồng rau màu.

Thung lũng nông nghiệp

Miệng núi lửa âm hình lòng chảo ở làng Ốp (phường Hoa Lư) đã tạo thành thung lũng với đất đai màu mỡ, phì nhiêu cùng dòng suối Ia Nil mát mẻ, trong lành. Người dân làng Ốp bao đời nay trồng lúa, khoai, mì... trên miệng núi lửa đã tắt hàng triệu năm trước.

Năm nay, bà H’Lah đã 103 tuổi. Hơn 100 năm nay, bà lớn lên và gắn bó với ngôi làng của mình. Bà H’Lah kể: “Từ nhỏ, chúng tôi đã nghe cha ông mình kể lại rằng, bởi địa hình lòng chảo phì nhiêu ôm trọn một vùng rộng lớn nên họ đã quyết định chọn nơi đây lập làng. Còn nguồn gốc sụt lún của miệng núi lửa để hình thành vùng đất màu mỡ phì nhiêu thì nhiều người già cũng chưa tường tận mà chỉ nghe đời xưa kể lại. Từ xa xưa, chính vùng thung lũng này đã đem lại lương thực và nguồn nước nuôi dưỡng dân làng. Những vui buồn của cuộc đời tôi cũng gắn bó nơi thung lũng này”.

Theo già làng Siu Núi, do sự sụt lún từ núi lửa âm mà tạo nên vùng trũng phì nhiêu này. Ảnh: Trần Dung

Theo già làng Siu Núi, do sự sụt lún từ núi lửa âm mà tạo nên vùng trũng phì nhiêu này. Ảnh: Trần Dung

Đưa chúng tôi dạo quanh làng, chỉ về phía cánh đồng lúa trải dài phía xa, già làng Siu Núi cho hay: Do sự sụt lún từ núi lửa âm mà tạo nên vùng trũng phì nhiêu này. Đặc biệt, nơi đây còn có dòng suối tưới mát quanh năm, cân bằng môi trường sinh thái và hình thành các cánh đồng lúa nuôi sống dân làng. Làng Ốp có diện tích tự nhiên trên 182 ha. Dân làng hiện canh tác gần 40 ha lúa nước 2 vụ với năng suất 4-5 tấn/ha. “Với đặc điểm tự nhiên đặc trưng và bản sắc văn hóa lâu đời của làng, năm 2008, TP. Pleiku lựa chọn để đầu tư xây dựng làng văn hóa du lịch. Chúng tôi vui mừng vì nơi đây trở thành điểm đến không chỉ khám phá thiên nhiên mà còn là nơi tìm hiểu con người, lịch sử của dấu tích núi lửa âm”-ông Núi bày tỏ.

Thung lũng phía Nam TP. Pleiku nằm trên đường Lê Thánh Tôn (giáp đường Trường Sa, thuộc phường Hội Phú và phường Ia Kring) cũng là một trong những vùng trũng do núi lửa âm tạo thành. Không gian nông nghiệp bên trong miệng núi lửa âm này kết nối với trục cảnh quan thành phố bằng các dải xanh hướng tâm. Xung quanh là nhà ở với mật độ thấp. Ông Trần Văn Nhật (83 tuổi, tổ 3, phường Ia Kring) chia sẻ: “Tôi tới vùng đất này sinh sống cách đây 50 năm và chứng kiến sự đổi thay nơi lòng chảo này. Xưa kia, đây là một vùng trũng rộng lớn với ruộng lúa, rau xanh và những vườn cà phê chạy dọc con suối. Khi đô thị ngày càng phát triển, diện tích cánh đồng dần thu hẹp, thay vào đó là nhà ở, hàng quán mọc lên nhiều, thu hút khách du lịch tới tham quan và trải nghiệm”.

Ngoài ra, một số thung lũng khác hình thành từ miệng núi lửa âm nằm trong nội đô Pleiku cũng đã tạo ấn tượng đậm nét cho bất cứ ai một lần ghé thăm như: thung lũng phía Đông, nằm trên đường Tôn Thất Tùng (trước Bệnh viện Đa khoa tỉnh) bọc theo vòng cung qua đường Lê Duẩn, kéo dài đến cầu Ia Sol (đường Cách Mạng Tháng Tám) thuộc phường Phù Đổng và Hội Phú; thung lũng phía Tây trên đường Phạm Văn Đồng (thuộc phường Tây Sơn); thung lũng thuộc cánh đồng Ia Tonh (tổ 2, phường Yên Thế)… Quanh những khu vực này, không gian nông nghiệp được chuyển tiếp một cách nhẹ nhàng, uyển chuyển từ trong nội đô ra khu vực ngoại thị, từ hai bên bờ suối đến các vùng trũng (miệng núi lửa âm) và tiếp đến là không gian nông-lâm nghiệp rộng lớn ở vành đai phía Đông và phía Tây. Đây chính là vành đai xanh nông nghiệp bảo vệ cho TP. Pleiku.

Thung lũng phía Nam TP. Pleiku nằm trên đường Lê Thánh Tôn (giáp đường Trường Sa) thuộc phường Hội Phú và phường Ia Kring cũng là một trong những vùng trũng do núi lửa âm tạo thành. Ảnh: Trần Dung

Thung lũng phía Nam TP. Pleiku nằm trên đường Lê Thánh Tôn (giáp đường Trường Sa) thuộc phường Hội Phú và phường Ia Kring cũng là một trong những vùng trũng do núi lửa âm tạo thành. Ảnh: Trần Dung

“Toàn thành phố hiện có 1.550 ha lúa nước trải dài trên nhiều cánh đồng tại các thung lũng. Tại những vùng này cây lúa phát triển tốt, cho năng suất cao, bình quân đạt trên 6 tấn/ha. Cùng với cây công nghiệp, cây lúa đã góp phần đảm bảo an ninh lương thực và nguồn thu nhập ổn định cho người dân Pleiku”-bà Lê Thị Mỹ Dung-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP. Pleiku-cho hay.

Xây dựng bản sắc và thương hiệu

“Rất dễ để nhận thấy một vùng Pleiku là địa hình núi lửa đã tắt từ hàng trăm triệu năm trước. Nếu tính riêng miệng núi lửa âm thì Pleiku có khoảng 11. Những thung lũng màu mỡ, những lòng chảo với ruộng lúa, rau màu liền kề với những quả đồi bát úp nhấp nhô, uốn lượn... đó là dấu tích sụt lún của núi lửa âm. Nhằm tạo ra hình ảnh hấp dẫn cho Pleiku, thành phố đã đề xuất phát triển đô thị về phía không gian mặt nước, không gian núi lửa âm mà hiện giờ chưa được khai thác”-ông Trần Mạnh Trường-Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị thành phố-thông tin.

Ông Nguyễn Xuân Hà-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin TP. Pleiku: Miệng núi lửa âm (vùng thung lũng) là “di sản thiên nhiên” của Pleiku. Vì vậy, cần có kế hoạch khai thác hiệu quả, mang lại đặc trưng riêng cho thành phố. Đề án xây dựng thành phố theo hướng đô thị thông minh, thành phố “Cao nguyên xanh vì sức khỏe” là ý tưởng đột phá nhằm mang lại hình ảnh hoàn toàn mới cho đô thị Pleiku.

Với định hướng phát triển theo hướng đô thị sức khỏe, trục cảnh quan kết nối khu du lịch Biển Hồ xuyên qua nội đô, nơi có suối Hội Phú làm trung tâm và kết nối với núi Hàm Rồng là xương sống của đô thị. Trong đó, không gian nông nghiệp bên trong miệng núi lửa âm kết nối với trục cảnh quan du lịch nghệ thuật bằng các dải xanh hướng tâm. Xung quanh miệng núi lửa là nhà ở mật độ thấp. Theo ông Trường: Việc phát triển đô thị Pleiku sẽ gắn với bảo vệ cảnh quan đặc sắc vùng cao nguyên và của khu vực nơi hội tụ các vùng cảnh quan đặc trưng. Quy hoạch Pleiku cũng sẽ dựa trên hình ảnh đô thị cao nguyên với đặc trưng cảnh quan thiên nhiên, văn hóa và con người. Qua đó, xây dựng bản sắc và thương hiệu cho thành phố. Việc bảo tồn, tôn tạo không gian các ngôi làng truyền thống nhưng không nên tạo sự cách biệt quá lớn, cảnh quan hài hòa có sự chuyển tiếp nhuần nhuyễn, phù hợp với từng làng và quy hoạch của khu đó. Với những ngôi làng có vùng đệm hiện trạng là thung lũng thì trước mắt vẫn duy trì cánh đồng trong đô thị.

Khung cảnh thung lũng phía Bắc ở cuối đường Tô Vĩnh Diện (phường Hoa Lư) được hình thành từ miệng núi lửa âm nằm trong nội đô Pleiku. Ảnh: Trần Dung

Khung cảnh thung lũng phía Bắc ở cuối đường Tô Vĩnh Diện (phường Hoa Lư) được hình thành từ miệng núi lửa âm nằm trong nội đô Pleiku. Ảnh: Trần Dung

Ông Nguyễn Xuân Hà-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin TP. Pleiku-cho biết: Trong Đề án xây dựng thành phố theo hướng đô thị thông minh, thành phố “Cao nguyên xanh vì sức khỏe” có đề xuất xây dựng khu du lịch kết hợp với nhà ở sinh thái xung quanh các miệng núi lửa âm. Các khu vực này được xây dựng theo dạng hỗn hợp nhà ở, kinh doanh, dịch vụ nghỉ dưỡng, xen lẫn vào đó là các công trình tiện ích đô thị, hạ tầng xã hội, khách sạn nghỉ dưỡng. Các khu lưu trú sinh thái này hướng ra phía “lá phổi xanh” là các miệng núi lửa. Trong tương lai sẽ hình thành các thung lũng hoa, thung lũng nông nghiệp, nơi ươm trồng dược liệu… Tại đây, người dân và du khách có thể tham quan, chụp ảnh, tổ chức cắm trại cùng gia đình, bè bạn… Những hoạt động này sẽ tạo nên một nét văn hóa riêng có của phố núi Pleiku.

Ngoài ra, việc xây dựng nhà ở xung quanh miệng núi lửa theo mô hình “sinh thái nông nghiệp trong đô thị” sẽ duy trì cảnh quan nông nghiệp bên trong và tại các khu vực gần với đô thị nhằm củng cố hình ảnh đô thị xanh, tạo sự đa dạng về cảnh quan, hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và tạo ra môi trường sống dễ chịu cho cư dân thành thị. “Hiện nay, thành phố khuyến khích người dân, nhà đầu tư phát triển các loại hình du lịch sinh thái, tham quan dã ngoại, vui chơi giải trí… Đồng thời, triển khai các chương trình cải tạo và bảo vệ môi trường trong vùng đô thị sinh thái nông nghiệp bên trong các miệng núi lửa âm trong lòng thành phố”-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin TP. Pleiku cho biết thêm.

Có thể bạn quan tâm