Pleiku hội đủ điều kiện phát triển du lịch xanh

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Ông Nguyễn Tấn Thành-Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh-nhận định: Du lịch xanh được hiểu là du lịch bền vững, có trách nhiệm với tự nhiên, bảo tồn môi trường sinh thái, gìn giữ văn hóa và cuộc sống của người dân bản địa; đồng thời, cung cấp những trải nghiệm tích cực cho du khách. Xét dưới góc độ này, Pleiku hội tụ đầy đủ các yếu tố để phát triển theo hướng du lịch xanh, xây dựng thành phố “Cao nguyên xanh vì sức khỏe”.

Pleiku có khí hậu ôn hòa, trong lành, thiên nhiên tươi đẹp, rất phù hợp để đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch xanh, một xu hướng đang được du khách ưa chuộng. Là chủ một đơn vị lữ hành thường xuyên đưa khách đến Gia Lai, anh Phạm Hoàng Trực-Giám đốc Công ty TNHH Du lịch quốc tế Gotour-hiến kế: Pleiku là thành phố rất thích hợp và có lợi thế để phát triển du lịch xanh. Bởi lẽ, sản phẩm của loại hình này chủ yếu dựa vào thiên nhiên. Với đặc trưng 2 mùa trong năm, khi xây dựng tour cần dựa vào yếu tố này để có hành trình phù hợp. Vào mùa mưa, khoảng từ tháng 6 đến tháng 11 hàng năm là mùa du lịch trải nghiệm cuộc sống xanh. Du khách sẽ được tham quan những nông trại, các khu vườn trồng nhiều hoa, các loại cây trái được canh tác theo tiêu chuẩn nông nghiệp tốt và thưởng thức ngay tại vườn.

Những năm gần đây, mô hình này đang dần hình thành và phát triển, thu hút sự quan tâm của người dân và du khách như: nông trại Veta Farm, vườn dâu (đường Chu Mạnh Trinh), vườn nhà Thóc (đường Phạm Hùng), vườn hoa Ngô Quyền, vườn Ông Ngoại (đường Lê Thánh Tôn), vườn cà chua cherry (đường Lê Văn Hưu)… Chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cần định hướng và hỗ trợ để các hộ kinh doanh dịch vụ này hoạt động chuyên nghiệp và đúng hướng hơn khi phát sinh nhiều dịch vụ bổ trợ kèm theo.

Du khách tham gia tour team building hào hứng với thử thách vừa đi bộ 8 km qua những danh thắng của Gia Lai, vừa nấu cơm. Ảnh: Bảo Châu

Du khách tham gia tour team building hào hứng với thử thách vừa đi bộ 8 km qua những danh thắng của Gia Lai, vừa nấu cơm. Ảnh: Bảo Châu

Cũng theo anh Trực, việc mở tour cho khách đi rẫy tại những ngôi làng ven thành phố cũng là cách làm khá hay và hấp dẫn, đặc biệt dành cho đối tượng khách nước ngoài. Ở đây sẽ kết hợp du lịch xanh cùng du lịch cộng đồng lấy người dân bản địa làm chủ thể để phát triển. Trong hành trình, du khách sẽ cùng người dân hái rau rừng, lên rẫy trồng hay thu hoạch lúa, trải nghiệm nếp sinh hoạt tại gia đình. Bên cạnh đó, kết hợp giới thiệu món ngon tại điểm đến, thực khách được tự tay vào bếp chế biến, nấu các món ăn của đồng bào dân tộc thiểu số.

Từ khoảng tháng 11 đến tháng 5 nên tổ chức những tour trekking rừng kết hợp trồng cây xanh, thích hợp nhất là trồng thông, phủ xanh những khu đồi ven thành phố. Những vị trí có thể tham khảo lựa chọn khi triển khai hình thức du lịch này như tại đồi thông qua cầu treo Phan Đình Phùng, đồi thông Diên Phú hay vành đai ven khu vực Biển Hồ. Nơi đây còn là địa chỉ lý tưởng cho đối tượng khách là học sinh, sinh viên, các trường học đến tổ chức các buổi hướng nghiệp, trải nghiệm về du lịch xanh giữa bầu không khí trong lành, thoáng đãng. “Mỗi du khách trồng một cây xanh” hay “Một ngày làm nông dân”… là ý tưởng hấp dẫn nếu du khách được một lần trải nghiệm.

“Du lịch xanh rất cần thiết vì tạo ra giá trị lâu dài và bền vững, không gây ô nhiễm môi trường, giúp con người có ý thức bảo vệ thiên nhiên. Để khai thác loại hình du lịch này, địa phương cần khoanh vùng, chọn lựa vị trí, không gian phù hợp, bên cạnh đó cần được đầu tư cơ sở hạ tầng, y tế, thông tin viễn thông và đào tạo nhân lực tại chỗ chuyên nghiệp. Tăng cường quảng bá thông tin về điểm đến, đều đặn và lâu dài là yếu tố nên được tiến hành thường xuyên. Điều quan trọng khi phát triển loại hình du lịch này là phải gắn với người dân bản địa. Những lợi ích mà du lịch xanh mang lại là góp phần đưa du khách tiếp cận gần hơn với nền văn hóa địa phương, từ đó sẽ gia tăng cơ hội việc làm, tăng thu nhập cho người dân bởi phát triển được nhiều dịch vụ phụ trợ đi kèm như hình thành các homestay, quán ăn, hàng món ăn đường phố, nước uống… Từ đó, người dân sở tại sẽ ý thức hơn trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”-anh Trực chia sẻ.

Đến với thảo nguyên xanh của phố núi Pleiku, du khách vừa được trải nghiệm không gian xanh, hồ nước trong lành còn lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ bên bãi dê Tiên Sơn. Ảnh: Võ Thanh Thảo

Đến với thảo nguyên xanh của phố núi Pleiku, du khách vừa được trải nghiệm không gian xanh, hồ nước trong lành còn lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ bên bãi dê Tiên Sơn. Ảnh: Võ Thanh Thảo

Thay vì chỉ tham quan, nghỉ dưỡng, thưởng thức ẩm thực tại điểm đến, việc kết hợp các chuyến đi với hoạt động vận động thể chất đang ngày càng được ưa chuộng và phổ biến hơn, mở ra hướng phát triển cho ngành du lịch gắn với sức khỏe, nghỉ dưỡng và thể thao. Hình thức này sẽ giảm bớt những tác động đến môi trường, hạn chế khói bụi, chất thải làm ảnh hưởng đến tự nhiên nên rất phù hợp phát triển du lịch xanh.

Tổ chức các giải chạy Marathon hay chạy xe đạp trên các cung đường đẹp cũng là một hình thức nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá du lịch, lan tỏa tinh thần du lịch có trách nhiệm và bảo vệ môi trường, không những tốt cho sức khỏe mà còn là một trong những xu hướng được yêu thích hiện nay. Các giải chạy hay đạp xe sẽ được tổ chức ở những địa điểm đẹp ngoại ô thành phố như các cung đường xuống Biển Hồ, cầu treo Biển Hồ, hàng thông trăm tuổi… hay trong nội thành xung quanh khu vực suối Hội Phú, du khách không chỉ được lưu lại những khoảnh khắc đẹp ở điểm ấn tượng nhất trên đường chạy, gần gũi hơn với môi trường sống, cảm nhận và yêu hơn thiên nhiên vạn vật, từ đó hình ảnh về vùng đất và con người Phố núi được quảng bá rộng rãi và chân thực hơn.

Chia sẻ về tiềm năng và thế mạnh của Pleiku để phát triển loại hình du lịch xanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh nhận định: Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi cấu trúc xã hội và thói quen của người dân, nhưng cũng tạo ra xu hướng mới trong du lịch. Đó là xu hướng tìm về du lịch xanh, du lịch an toàn. Đây cũng là cơ hội để TP. Pleiku với những yếu tố đặc trưng, lợi thế về môi trường tự nhiên, bản sắc văn hóa trở thành điểm đến trải nghiệm được lựa chọn yêu thích, hấp dẫn du khách. Vì vậy, phát triển du lịch xanh trên cơ sở khai thác phát huy hài hòa tài nguyên đặc thù của địa phương với các loại hình lợi thế, đặc sắc cũng chính là chung tay xây dựng TP. Pleiku phát triển bền vững.

Có thể bạn quan tâm