Người đàn bà nên thơ “bình dị”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Mùa khô năm 1983 Nhà Xuất bản Phụ nữ tổ chức đi thực tế tại Gia Lai. Tôi nhớ đoàn có các nhà văn Nguyễn Sinh, Trung Trung Đỉnh, nhà thơ Nguyễn Thị Hồng... Vào huyện Chư Prông hồi đó là một lối đất đỏ lọt thỏm giữa bức tường thành cúc quỳ vàng rực. Đến tối đoàn nghĩ đêm tại một ngôi làng. Gió hú từng hồi miên man qua kẽ liếp. Không thể ngủ được, mọi người co ro bên bếp lửa chuyện vãn chờ trời sáng. Trong những câu chuyện không đầu không cuối đó, một cán bô huyện chợt kể về một cán bộ phụ nữ xã có tên là H’Noanh...Cảnh đời éo le của chị làm xúc động mọi người. Đoàn quyết định sáng ra sẽ quay lại làng Bạc tìm H’Noanh bằng được… Đêm đó bên ánh lửa chập chờn, mọi người  háo hức hỏi, háo hức ghi chép những điều chị kể... Mấy ngày sau đoàn đến huyện Ayun Pa. Một tối cũng rét mướt, cũng buồn như cái đêm Chư Prông ấy, nhà thơ Nguyễn Thị Hồng chợt đề nghị mọi người nghe chị đọc bài thơ mới sáng tác tặng H’Noanh… Khi chị Hồng đọc xong, gần như là một tiếng bật đồng thanh ‘’hay quá’’ từ mọi người… Ít lâu sau bài thơ xuất hiện trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội và đoạt giải cuộc thi thơ của Tạp chí...

Thời gia qua mau, mới đó mà đã hơn hai chục năm rồi. Từ đó đến nay tôi chưa một lần gặp lại chị...         
                                                             
H’Noanh
H’Noanh. Ảnh: N.T
...Chị vẫn nhận ra tôi nhưng quên tên. Còn tôi thì ngẩn ra bởi sự thay đổi quá nhiều của chị: Mái tóc đã điểm nhiều sợi bạc nhưng khỏe ra bằng mấy thời tôi gặp. Cái nhà sàn 6 người ngồi chật lùi ra sau làm bếp. Một nếp nhà ngói xinh xắn án gọn khoảng sân nhỏ. Cô bé út đét đóng, gầy còm dạo ấy bây giờ đã là một thiếu phụ mặn mòi bối rối nhìn khách. “Tivi, xe máy là của vợ chồng con chị sắm. Chị có một suất lương cán bộ phụ nữ xã, cộng với chế độ có công được bốn trăm ngàn; làm thêm 1 ha cà phê nữa. Lo cho con chứ  mình sống thế được rồi. Thời chiến tranh cứ củ mài, củ mì miết miết thì sao".

Nói xong câu phân bua bởi sự ngỡ ngàng của tôi, chị bỏ ghế ngồi bệt xuống nhà ngước lên chờ đợi những câu hỏi, y như dạo nào vẫn vậy. Tự dưng tôi đâm ra lúng túng, không biết phải bắt đầu thế nào để chị kể đời mình cho thật đầy đặn, chi tiết... Cuối cùng thì tôi tự nhủ: cứ theo cái “sơ yếu lý lịch” còn nhớ được lần theo mà hỏi lại hay...

...Không nhớ ngày tháng, chị chỉ biết mình sinh năm 1951. Plei Bạc không lớn nhưng mà là một cái làng Cách mạng nòi. Hồi chống Pháp đã có người che giấu cán bộ rồi. Sang chống Mỹ, tuyệt không có một người đi lính Ngụy. Mỹ – Diệm dồn vào ấp chiến lược, dân làng Bạc phá banh ấp trở về. Căm cái làng Cộng sản, Mỹ – Diệm thảm sát làng Bạc. Hôm ấy nhà H’Noanh cha, cháu và đứa em đều bị thương. Cứ nghĩ sau cuộc giết chóc man rợ đó người làng Bạc sẽ run sợ từ bỏ Cách mạng, hóa ra tinh thần ai cũng mạnh mẽ hơn lên. Ông Ơn bảo H’Noanh: Bây giờ người người đều là du kích cả, mày cũng là du kích thôi... 15 tuổi, đứng ngang cây súng trường Mát, lại không biết chữ mà làm du kích? Có lẽ cũng nghĩ thương, ông Ơn cho H’Noanh vào căn cứ học chữ 9 tháng. “Tốt nghiệp” chữ rồi, H’Noanh được đại hội du kích xã bầu làm Xã đội phó kiêm chỉ huy tiểu đội nữ du kích làng Bạc.

Làm du kích là làm nội vụ, nhiều việc lắm: Dẫn đường cho bộ đội đánh địch; cùng bộ đội chôn mìn đơm xe tăng trên đường 14; rồi phục kích máy bay trực thăng, làm rẫy nuôi bộ đội đánh giặc... Bao nhiêu lần tham gia, ũng hộ bao nhiêu lúa... làm sao nhớ được. Mà nhớ làm gì, có phải đánh giặc để lấy thành tích, để được hưởng chế độ đâu. Giặc đến phá đất nước mình thì phải đánh – đơn giản thế thôi. Thành ra không riêng H’Noanh, nhà nhà trong làng Bạc này sau mỗi vụ suốt lúa chỉ để lại đủ thóc giống, còn thì ủng hộ Cách mạng hết. Già trẻ cứ củ mài, củ mì quanh năm nhưng ai cũng vui... Nếu nói thành tích của H’Noanh lúc đó thì chỉ nhớ thế này: Năm 1968 được cử đi dự Đại hội chiến sĩ thi đua của Măt trận B3. Cũng năm đó H’Noanh thêm một niềm vui lớn nữa là lấy chồng. Chồng H’Noanh là Kpuih Gui, cũng là đội viên du kích Plei Bạc...

Thành tích có thể quên nhưng nỗi đau mất mát thì khó quên được.Vẫn nhớ như  dao chém cột nhà cái ngày 20 tháng 7 năm 1970 ấy... Mới tinh mơ địch đã đổ quân càn làng Bạc. Đội du kích lập tức ra chặn địch. Gui cùng anh là Kpah Dôi làm một mũi giữ đồi Ia Mrá. Cuộc chiến không cân sức diễn ra ác liệt. Từ sáng đến 12 giờ trưa cả đại đội địch không thể nào tràn qua được ngọn đồi. Mỗi tiếng súng dội đến, tim H’Noanh như ngừng đập một lần. Rồi tiếng súng tắt. H’Noanh đâu biết lúc đó Gui và Dôi bắn đến viên đạn cuối cùng thì lao lên dùng dao găm đánh giáp lá cà với chúng...

Chiều hôm đó khi chiếc trực thăng cuối cùng đến nhặt xác bọn lính như con quạ đã no mồi nhấc đít khỏi đồi Ia Mrá, H’Noanh mới được đội cho đi tìm chồng. Trên vuông đất khét lẹt mùi thuốc đạn, Gui và Dôi nằm sấp, tay còn nắm chặt chiếc dao găm. Bọn giặc hèn hạ cứa gần đứt cổ Gui cho hả cơn tức.

Chồng chết, bụng đang mang đứa con ba tháng, gánh nặng trên vai là  mẹ chồng, cha mẹ mình và là người chỉ huy du kích, nhìn dáng đi của H’Noanh có người nghĩ: Chắc H’Noanh sẽ đổ. Cũng có lúc H’Noanh muốn đổ xuống thật rồi nhưng cứ nhớ đến cái chết của chồng, H’Noanh lại thẳng người lên được. Với lại H’Noanh mới có 18 tuổi, cây non có gãy ngọn thì gốc cũng không thể nào lụi được...

Đầu năm 1975, Ia Phìn được giải phóng. Những mái tranh mới như màu nắng lũ lượt mọc lên đất cũ. Bếp bếp đã có mùi cơm. H’Noanh lại được phân công làm Phó Công an xã. Vui lắm, nhưng sao H’Noanh thấy mình không còn được như xưa. Đánh giặc gian khổ thật nhưng bên mình có khi nào vắng chị em, vắng bà con. Hết giặc rồi thì chỉ còn cái bếp nhà mình... Thường đêm nằm ôm con H’Dách nước mắt H’Noanh cứ tự chảy ra. Mới 26 tuổi, con đường phải đi còn xa, cha mẹ già, con nhỏ, ai đỡ cùng H’Noanh? 

Nhưng H’Noanh đã không ngờ. Trả lời điều H’Noanh hỏi là Kpuih Bóp – em trai của Kpuih Gui.

Kpuih Bop cũng là đội viên du kích Plei Bạc. Bóp nhỏ hơn H’Noanh 2 tuổi. Bóp bảo: Tôi muốn thay anh Gui. Để cháu không có cha thì tội lắm... Tục nối dây của người Jrai là thế. Không phải H’Noanh không cãi được luật tục. Cơm muốn nấu, một thanh củi không chín được; và cái chính là H’Noanh cũng thấy Bóp thật lòng thương H’Dách, H’Noanh... Căn nhà ấm lại dần, nhất là khi con H’Dách có thêm một em gái.

Giá như con người ta mà biết trước được chắc không bao giờ làm điều mình muốn hay không muốn... Ai không nhớ những năm sau giải phóng cuộc sống thiếu đủ bề. Sức đã hao nhiều vì đánh giặc – mà không chừng bị nhiễm chất độc da cam nữa, bây giờ vợ chồng cứ đau ốm liên miên. Sợ nhất là H’Noanh cứ thỉnh thoảng cả người bị sưng lên rồi ngứa, có lúc không cho con bú được. Cả hai đứa nhỏ cũng vậy. Còn Bóp thì sinh chứng đau bụng. Thuốc không có đủ, bệnh cứ nặng dần. Lúc con bé út được hơn mùa rẫy thì Bóp về với ông bà...

Nỗi khổ của H’Noanh sau lúc Bóp chết có kể mấy đêm cũng không hết. Người ta nghĩ lần này chắc H’Noanh đổ xuống thật rồi. Thế mà lạ, H’Noanh vẫn đứng vững. Người ta không biết nước mắt H’Noanh bây giờ chỉ được chảy bên trong. Nếu H’Noanh đổ thì cha mẹ hai bên, hai đứa con biết níu vào ai... Trừ những ngày phải làm việc xã, từ sáng đến mặt trời hết nắng cứ thấy H’Noanh ngoài rẫy. Sự lặng lẽ của H’Noanh khiến nhiều người dường như quên đi có một H’Noanh nổi danh đánh giặc thuở nào...

Cho mãi đến năm 1990, H’Noanh mới được huyện yêu cầu kê khai thành tích, được thưởng Huân chương Kháng chiến hạng nhì rồi hưởng chế độ có công mỗi tháng 110 ngàn đồng. Chính là lúc này người ta đồn chị được đề nghị phong Anh hùng. H’Noanh được huyện hỗ trợ một căn nhà. Rồi Công ty Cà phê tỉnh mở nông trường, H’Noanh được nhận làm hợp đồng. Hai con cũng được vào công nhân... Cuộc sống mở ra dần. Năm 1991, H’Noanh dùng tiền tích lũy được làm căn nhà ngói này. Căn nhà huyện hỗ trợ H’Noanh nhường cho cô con gái đầu lòng...

...Nỗi éo le của một con người như chị kể cũng hiếm. Nhưng đứng vững trước nỗi éo le như chị lại hiếm hơn. Chợt giật mình vì tài thơ của Nguyễn Thị Hồng. “Bình dị” đâu chỉ viết về một H’Noanh. Nó là hình tượng của phụ nữ Tây Nguyên một thời: “Em tự quên chính mình/ những phút thành dũng sĩ/ như núi rừng tự quên/ những phút thành chiến lũy/ lại trở về nguyên sơ/ cái màu xanh bình dị…".                                                                        
Ngọc Tấn

Có thể bạn quan tâm