Năm 2001, tạp chí Sông Hương kỷ niệm 20 năm ngày thành lập. Văn Công Hùng về Huế. Tôi gặp anh cùng nhà thơ Hoàng Vũ Thuật trong buổi hội thảo thơ do tạp chí Sông Hương tổ chức. Từ đó, thơ như nhịp cầu giữa tôi và anh, cũng có khi anh là người anh tận tâm với thơ tôi trong từng câu chữ, cũng có khi tôi góp ý thẳng với anh về những bài thơ anh gửi.
Anh có hai cái tài, một là tài làm thơ lãng tử, hai là làm báo rất sành. Nhoáng một cái là xong bài bút ký, phóng sự tầm hai nghìn từ ngay, rồi “bắn” đi cho các báo và thu nhuận bút về để dành “in thơ”. Vừa làm quản lý, vừa mưu sinh bằng nghề viết, nhưng trong anh, dáng dấp một thi sỹ lấn át đi những công việc còn lại. Đi đây đi đó nhiều, bạn bè nhiều. Nhưng anh cũng ít bạn tâm giao? Có lần anh nói với tôi, cái nghề mình nó nghiệt ngã, mà tìm được bạn tâm giao càng khó hơn. Có những điều thú thật, không bao giờ thổ lộ được với ai ngoài… thơ.
|
Nhà thơ Văn Công Hùng (trái) bên mộ chị Võ Thị Sáu. |
Tôi quý anh hơn ở điểm này. Đó là sự chân thành và không muốn mình nương bóng bởi bất cứ một lý do nào. Môi trường sống hình thành nên nhân cách con người và con người có tồn tại được với nhân cách đó lại là chuyện khác. Thường thì người ta hay muốn tâng bốc nhau bằng những sản phẩm hời của thời báo chí mang dáng dấp thị hiếu bán mua bằng những vụ gây sốc, gây xoáy chéo trong dư luận. Văn Công Hùng lại chọn cho mình cách đi, mà có thể, không giống bất cứ ai. Đó là cách tự khẳng định mình bằng chính những năng lực nội tại và một tâm hồn giàu lòng nhân ái. Một số tác phẩm của anh để lại dấu ấn trong lòng bạn đọc như những tập thơ: Bến đợi, Hoa tường vi trong mưa, Hát rong, Ngựa trắng bay về, Gõ chiều vào bàn phím, tập tản văn và ký sự Mắt cao nguyên. Có một Văn Công Hùng đầy lãng mạn trong những câu thơ như cứa ra từ máu anh, như gọt giũa từ nhiều những lớp cắt thời gian, để rồi một ngày, từ đầu ngọn bút, Thơ cứ tuôn tràn với nhiều cung bậc. Anh đắm say với tình yêu quê hương, với người một cảnh hai quê, với hình ảnh mẹ, em, bạn bè, con gái… Tất cả xâu chuỗi lại và hình thành nên một vòng cung số phận. Thơ và đời cứ khắc khoải trong thơ anh, như có cái gì đó anh muốn mà chưa bao giờ với tới, như những nỗi thất vọng mang vòng kim cô quấn chặt vào nghiệp văn của anh. Đôi khi tình cảm của anh cứ òa vỡ vào những khoảng lặng tâm hồn đằm sâu. Những câu thơ như gợi mở một cuộc đời với bao kỷ niệm dan díu “Có điều gì trong tôi vỡ vụn – trong như pha lê- những mảnh thủy tinh găm vào ký ức- nhu nhú một chút buồn. (Bâng quơ cỏ ngoại ô). Trong thơ anh có một nỗi buồn hoang dại. Nỗi buồn đó chảy như ngọn suối với nhiều mạch nguồn tuôn về biển cả thơ văn “Có giọt sương cựa mình như cái duỗi chân thiếu phụ - thấy nắng xanh xao miền cực lạc- thấy mưa ngun ngún nước mắt em gửi tặng tôi qua email chiều nay lúc mặt trời vừa tắt- diệp lục lên như tuổi lướt qua đầu" (Đêm 30, nghe lá).
Gần 30 năm chọn thơ văn để gửi gắm tâm hồn, nhiều khi, Văn Công Hùng cố đẩy mình về phía mặt trời mọc, để nắng mai có thể thoát thai những nỗi đau thân phận người. Và mong ai đó biến được nỗi buồn thành hoa hạnh phúc. Tôi không dám chắc mình đã viết đúng về anh. Bởi vì biên độ giữa tôi và anh cách xa nhiều quá. Tuổi đời, tuổi nghề, sự dấn thân… tất cả đều cách biệt. Nhưng điều tôi mong muốn đó là vẽ chân dung anh bằng cách thẩm thấu từ tác phẩm. Và cũng chỉ có tác phẩm với thời gian mới khẳng định được giá trị bản ngã của nhà thơ trước muôn vàn cám dỗ của cuộc đời. Một ngày nào đó, khi bày biện lên ký ức mình những đoạn đường đã đi qua, những kỷ niệm đã gặp, những gương mặt bạn bè, tôi hy vọng Văn Công Hùng đã có chút gì để nhớ? Với tôi, anh là người hát rong đây đó - phận người. Tiên Sa, ngày đầu năm 2009
Nguyễn Thị Anh Đào