Người thành thạo “thập bát ban võ nghệ” hàng đầu tại Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Võ sư Văn Xuân Thông, với bài “Đoản côn tề mi” nổi tiếng vừa được đưa vào chương trình huấn luyện võ thuật thống nhất trong cả nước. Không những thế, tại tỉnh ta, có lẽ hiện nay ông là người duy nhất sử dụng thành thạo “thập bát ban võ nghệ” vốn là đặc trưng của Võ thuật Cổ truyền Việt Nam.
Ảnh: M.V
Ảnh: M.V

Sinh ra ở miền đất võ Bình Định (làng An Vinh-Bình An-Tây Sơn), trong một gia đình có thân phụ là võ sư và dòng dõi bên ngoại cũng đều là con nhà võ chính thống, bởi vậy ngay từ 10 tuổi, ngoài việc thừa hưởng được vốn kiến thức võ học do gia đình để lại, hai anh em nhà họ Văn: Văn Xuân Ngọc và Văn Xuân Thông còn xuống tận Qui Nhơn để “thọ giáo” võ sư Nguyễn Thành Long nhằm nắm bắt những bí kíp, công phu tuyệt đỉnh của hai trường phái nổi tiếng trong võ cổ truyền Tây Sơn-Bình Định: “Roi Thuận Truyền, quyền An Vinh”.

Võ sư Văn Xuân Thông nhớ lại: “cũng giống như chuyện học chữ ngày nay. Ngày xưa trong mỗi gia đình, nếu con cái nhà nào học được càng nhiều bài quyền càng danh giá. Mà chuyện học võ thời đó khó khăn lắm, không phải cứ đem gà, vịt, thóc lúa đến “bái sư” là được nhận làm đệ tử. Muốn được như vậy phải trải qua thử thách nhiều lắm, “tiên học lễ hậu học võ” mà”.

Không chịu bằng lòng với những gì đang có, chàng thanh niên Văn Xuân Thông “cơm đùm, gạo bới” đi tầm sư học võ khắp các vùng Duyên hải miền Trung.

Chẳng hạn, để học được cách sử dụng nhị khúc, vào năm 1971 ông đã lặn lội vào tận Vạn Giã- Khánh Hoà, ở hàng tháng trời trong nhà võ sư Mã Thành Vinh để thục luyện. “Đây là loại binh khí khó học nhất. Lúc đầu mới làm quen, hai đầu của cây nhị khúc quật liên tục vào 2 cùi chỏ, đầu gối và đầu… khiến những chỗ này bị sưng vù thường xuyên”. Hoặc muốn học kỹ thuật sử dụng song chuỳ, vào năm 1975 ông đã phải sang thọ giáo võ sư Quách Cang ở phái Nam An Thái…

Nhờ vậy, hiện nay võ sư Văn Xuân Thông sử dụng thành thạo nhiều kỹ thuật, động tác khó, nhiều bài quyền nổi tiếng trong “thập bát ban võ nghệ” của Võ cổ truyền Việt Nam như: Đao, kiếm, côn, phủ (búa), thương, cung, lăng khiêng, quyền, xung kích… 

Võ sư Văn Xuân Thông cho biết thêm: “biết nhiều khổ nhiều, “văn ôn võ luyện”… Để có thể nhớ hết gần 40 bài quyền tay không và binh khí trong thập bát ban võ nghệ, mỗi ngày tôi phải dành ra 2 tiếng đồng hồ để luyện tập. Càng già càng mau quên, để tránh thất truyền, hàng ngày ngoài việc đi dạy tại các câu lạc bộ, tôi còn phải tranh thủ truyền lại tất cả những gì mình đang có cho con trai Văn Xuân Toàn để nói dõi tông đường”.

Ông tâm sự: “Học võ không chỉ để tự vệ chính đáng, học võ còn có tác dụng chữa bệnh, nâng cao sức khoẻ và giáo dục lòng dũng cảm, đạo đức ý chí cho con người… Đáng tiếc  ngày nay rất nhiều phụ huynh nhận thức về chuyện học võ chưa đúng nên các em võ sinh đến lớp giảm đi rất nhiều. Khi học võ giúp  người ta trở nên  hiền lành  hơn, chững chạc hơn, chứ chẳng ai do tập võ mà hung hăng hơn. Tôi mong mỗi bậc phụ huynh nên suy nghỉ lại điều này”.
Minh Vỹ

Có thể bạn quan tâm