Một thời với anh Đỉnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhà văn Trung Trung Đỉnh.
Nhà văn Trung Trung Đỉnh.
Hồi ấy, những năm cuối thập kỷ 60 của thế kỷ XX, khi chưa là nhà báo, nhà văn Trung Trung Đỉnh là chiến sĩ, đi bộ từ miền Bắc vào chiến trường Tây Nguyên, do những cơn sốt rét rừng mà tôi với anh mới được cùng nhau trong một đơn vị. Lý do là sốt nặng, đơn vị “gởi” lại ở một trạm thu dung. Hết bệnh, anh và một số người nữa được bổ sung về chỗ chúng tôi. Chiến tranh-đương nhiên là nỗi buồn rồi, nhưng tại thời điểm ấy, ở chỗ chúng tôi, thì chúng tôi lại thấy còn có niềm vui. Vui bởi vì ở đây là một đại gia đình Kinh-Thượng, Bắc-Nam như anh em một nhà, và cùng chung một chí hướng. Là đơn vị vũ trang địa phương “bán quân, bán dân” ấy, có những điều giờ nghĩ lại thật buồn cười. Đánh giặc, làm công tác dân vận, xây dựng cơ sở-làm nương rẫy-gùi cõng lương thảo, đạn dược, thuốc men-dạy cho nhau học văn hóa, quân sự, chính trị, tiếng dân tộc thiểu số. Có chuyện vui cả hội cùng hò reo, có chuyện buồn cả hội cùng rơi nước mắt. Đôi khi cười, khóc diễn ra trong chốc lát, đan xen. Trừ người đứng đầu đơn vị, thủ trưởng Hào-Huyện đội trưởng có số tuổi đời, tuổi quân khá cao, còn lại chúng tôi coi nhau là cùng “trang lứa”, 13, 14, 15 tuổi có, 20, 22, thậm chí 30, 35 tuổi cũng có. Trừ khi họp, trừ khi có việc quan trọng gọi nhau đồng chí, còn lại cứ việc “mày, tao, mi, tớ…”.  Nhiều người quê tận Hải Phòng, Bắc Ninh, Hà Giang, Tuyên Quang, Nghĩa Lộ, Thanh Hóa, Nghệ An… nghĩa là hầu hết các tỉnh phía Bắc. Còn ở phía Nam, anh em đến từ Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định tới Khánh Hòa, Phú Yên… rồi dân tộc Jrai, Bahnar, Kinh… Học cao thì có người tới tú tài, cấp ba, trung cấp, người thấp thì mới biết tới a, b, c… thậm chí có người chưa có một ngày được cắp sách tới trường, nghĩa là chưa biết chữ. Lãnh đạo, chỉ huy đã quán triệt rằng nhiệm vụ bây giờ là đánh Mỹ, đánh thắng Mỹ, ai đã học rồi thì lo làm, ai chưa học thì phải đi học để rồi làm, rồi xây dựng đất nước. Nói thì vậy, nhưng trong đơn vị có một số “trai cày” chiến sĩ mới biết a, b, c; những người “có học” được chi đoàn giao nhiệm vụ phải “giải quyết nạn mù chữ cho xong… trong kế hoạch 5 năm!”.

Nhóm các anh ở Bắc vào không còn ai trong diện phải “xóa mù”- Họ làm thầy vậy. Một ngày kia, sau trận đánh, thầy Phạm Trung Đỉnh không về. (Hồi chưa thành nhà văn gọi là anh Phạm Trung Đỉnh)-Anh bị thương nặng!

“Khóc! Cười! Cứ như thể trò đùa!”- Y sĩ Quảng (người Bình Khê- Bình Định) quát, cả đám im thin thít. Nữ y tá Khanh rửa vết thương cho anh Đỉnh mà tay cứ run lên bần bật, cái “panh” đâm vào chỗ vết đạn xuyên, làm anh Đỉnh… khóc thét lên. Không có thuốc mê, thuốc tê chi trọi. Cười! Chúng tôi thì lại cười- Y sĩ Quảng lại quát mắng- Lại khóc, anh Đỉnh càng la to như được nước mẹ bênh. “Nó đã đau, bọn bay còn cười!”. Đã có mấy đứa trong đơn vị đến coi nữa. Sau khi y sĩ Quảng và y tá Khanh “mổ” vết thương cho Đỉnh xong lại có “thông tin” mới, rằng mấy đứa uống cả máu của Đỉnh- anh Đỉnh cười khoái chí khi nghe “thông tin” này. “Còn có cả nước tiểu trong cái vũng ấy nữa đấy”- một người bổ sung thêm vào. Khi tìm ra anh Đỉnh, người bê bết máu, miệng rên hừ hừ… Chúng tôi phân công nhau cõng anh về địa điểm “tập kết” bên cái làng nhỏ của người Bahnar, y tá Khanh vội cởi hết quần áo của Đỉnh, cho vào cái vũng nước bé tí tẹo bên cạnh, ngâm. Một thằng ma lanh còn tè vào đó “để giặt cho dễ”, mấy bạn tốp đi sau về, ban đêm quen như mọi lần cứ đến đây là thi nhau “giải khát”, cứ thế lấy ca US vục xuống… Một người nghe mùi lạ, rọi đèn pin, máu lẫn nước tiểu đỏ lòm cả. Ọ, ọe… thi nhau mà móc họng cho ói, nào có được… Cười là bởi cái “thông tin” ấy vừa tung ra. Khóc… là vì xác của hai bạn- hai chiến sĩ ta hy sinh trước đấy mấy hôm trong một trận phục kích khác, cơ sở báo cho hay là địch đã kéo vào thị trấn An Khê phơi nắng giữa ngã ba đường. Chúng mày ơi! Chúng mày ơi! Chẳng biết để làm gì, mà chúng tôi cứ kêu như thế trong nước mắt. Đây không phải là lần đầu bọn giặc  làm như vậy. Chúng thực hiện cái gọi là “chết không toàn thây” đe dọa nhân dân: Chặt đầu, mổ bụng, phơi nắng “hành hình” phần xác của chiến sĩ ta đã hy sinh. Bọn chúng là những tên ác ôn khét tiếng, tay chân trung thành của giặc Mỹ, do Mỹ đào tạo mà ra.

Tác giả (bên phải) trong chuyến về thăm căn cứ cách mạng của tỉnh tại xã Krong, huyện Kbang. Ảnh: Đức Thụy
Tác giả (bên phải) trong chuyến về thăm căn cứ cách mạng của tỉnh tại xã Krong, huyện Kbang. Ảnh: Đức Thụy
Thành nhà báo, rồi nhà văn, đâu đó người đọc cứ thấy trong báo, trong văn Trung Trung Đỉnh còn ám ảnh nhiều lắm về những ngày bom đạn ở Trường Sơn, Tây Nguyên ấy. Những đồng đội, những người dân Bahnar, Jrai cứ đối thoại với anh trong từng trang viết. Đôi khi tôi nghĩ những viên đạn vô tri của kẻ thù xuyên qua người anh, nó chợt biết đường “né” những chỗ nguy hiểm, để rồi bây giờ chúng ta còn có anh. Tôi khâm phục và thấm thía về những nhận xét của nhà văn bậc thầy Nguyên Ngọc nói về Trung Trung Đỉnh trong lời giới thiệu tập truyện ngắn mới xuất bản gần đây với nhan đề “Đêm nguyệt thực” của anh. Cái làng quê ở tít tận vùng sông nước đồng bằng Bắc Bộ xưa cũ, bao bọc xung quanh bởi những con sông, những con đê và cánh đồng xa xanh tít tắp thẳng cánh cò bay bốn mùa đầy ắp hương mạ, hương rơm và những nẻo đường đi học, chăn trâu của anh cứ lẫn, quyệt vào những cánh rừng đại ngàn Tây Nguyên ẩn chứa những “Người trong cuộc”, những “Đêm nguyệt thực”, những “Lạc rừng”, và những vô cùng tận… Tây Nguyên, mà chưa thể nào liệt kê cho đủ?

Tây Nguyên, Gia Lai giờ đây khác xa lắm rồi, đồng đội tôi lâu lâu có dịp quay về, cứ tưởng mình đang mơ giữa ban ngày. Bạt ngàn cao su, cà phê, bạt ngàn lúa, bắp, khoai, mì… Sáng bừng ánh điện nhà sàn, đỏ thắm bao làng định canh định cư. Đói nghèo, mù chữ, bệnh tật… ở đâu đó vẫn còn nhưng địa chỉ của nó thì chỉ đếm được trên đầu những ngón tay… Hơn 30 năm sau ngày giải phóng, tưởng chừng đã lâu lắm, nhưng nhìn lại trước đó đã trên 100 năm, người Tây Nguyên bị hai kẻ xâm lăng to bự là Pháp và Mỹ “lo” cho họ những gì, thì mới thấy hết cái ý nghĩa to lớn biết chừng nào mà cách mạng dành cho người dân Tây Nguyên trong vòng mấy chục năm qua! Người dân Tây Nguyên khắc ghi trong dạ, sau trước một lòng chẳng kẻ nào lay chuyển được… Một lần cách đây chưa lâu, khi về lại một làng nhỏ của người Bahnar Tây Nguyên có tên là Đê Chơ Gang nằm về Đông Nam An Khê (Gia Lai), nơi mà cách đây hơn 30 năm về trước đơn vị của chúng tôi đứng chân, người dân ở đấy che chở, đùm bọc… Trung Trung Đỉnh đã chứng kiến cảnh dân làng túa ra đón khách, những người cùng thời còn ít lắm, già rồi, có người đã về với tổ tiên… Nhưng không ít người nhận ra ngay chúng tôi: “Đỉnh đó, Phụng, Chung, Niềm… đó”, họ gọi đúng tên ít nhất là hai phần ba trong gần một tiểu đội của chúng tôi có mặt hôm ấy. Họ kể về những ngày đã qua, những con người không còn nữa. Họ khoe làng chẳng còn ai đói, chẳng còn ai không biết chữ… Người làng Đê Chơ Gang không quên nhắc tới những cái tên của đồng đội chúng tôi giờ đã không còn: Anh Quảng y sĩ, chị Khanh y tá, rồi Cầm, Mao, Loi, Nhiên, Tự, Thế, Hùng, anh Châu đen… đã vĩnh viễn ra đi. Những người chỉ huy của đơn vị qua các giai đoạn đã già lắm rồi, họ lần lượt “ra quân” và trụ lại với mảnh đất mà họ từng chiến đấu, cho dù còn vất vả lắm với đời thường, nhưng họ vẫn xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”… Chia tay làng Đê Chơ Gang hôm ấy tôi còn nhớ mấy bà mẹ Bahnar tiễn anh Đỉnh- theo cái lối tiễn đưa chỉ riêng có của người Bahnar- ra tận cổng làng để cùng với đội chiêng đánh bài chiêng chia tay. Chúng tôi bịn rịn chia tay, phía ngoài kia là An Khê- cái thị trấn ngày xưa khi nó còn dưới quyền kiểm soát của Mỹ- Ngụy, chứng nhân một thời của bao điều tàn bạo của kẻ thù đối với cách mạng, với nhân dân, giờ đã lên thị xã. Ở đó- một trong ba “địa chỉ đỏ” của sự phát triển toàn diện của Gia Lai trong hiện tại và tương lai.
Mới đây, gặp tôi ở Hà Nội, anh Đỉnh dặn: “Về bảo mấy đứa trong đó chuẩn bị, sắp tới thế nào anh cũng vào”. Tôi biết rõ mồn một, với anh, cái sự “chuẩn bị” đó chỉ là rượu cần, rau mì, cà đắng, măng chua… và những bài ca pha trộn những giai điệu “giao duyên Kinh-Thượng” ở dưới làng xa, rồi những đêm thức trắng. Thức trắng bây giờ không phải vì đạn bom, giặc dã, mà là vì lâu quá rồi nay mới gặp nhau...
Đoàn Minh Phụng


Có thể bạn quan tâm