Một buổi tối đầu năm mới, tôi ghé thị trấn Chư Sê thăm Nhà giáo Ưu tú Măng Lanh. Vợ đi coi văn nghệ ở công viên, con trai bận việc ra khỏi nhà, cho nên căn nhà cũ của ông rộng thênh thang, ngập tràn âm thanh ti vi. Hóa ra, ông đang một mình ngồi ở nhà dưới xem và ủng hộ cho cả hai đội trong một trò chơi trên truyền hình.
Ảnh: N.Q.T |
Ông kể rằng, dù sau này có đi học lớp này lớp nọ, có đi đến nơi này nơi khác, gặp gỡ bao nhiêu người chăng nữa thì hình ảnh thầy giáo đầu tiên vẫn không bao giờ phai nhạt trong tâm trí ông. Người dạy ông thời ấu thơ là thầy giáo Công. Ông vẫn còn nhớ những năm 1950, có hôm máy bay Pháp ném bom, thầy Công đã dẫn đám học trò nhỏ của mình xuống hầm hào hay chạy ra suối trốn ra sao. Măng Lanh cũng không thể nào quên được hình ảnh vợ chồng người thầy giáo thương học trò như con cái ấy đã cho các ông ăn uống như thế nào, dù gia đình thầy cũng nghèo khó như bao nhà khác thời đó… Năm 1954, tập kết ra miền Bắc, Măng Lanh mang theo những kỷ niệm sâu sắc về quê hương, bạn bè và nhất là về người thầy đầu tiên. Từ buổi ấy, Măng Lanh nguyện với lòng mình sẽ phấn đầu học hành, rèn luyện để có thể trở thành một thầy giáo, trở về giúp cho đồng bào của mình. Ở miền Bắc, Măng Lanh cũng may mắn hai lần được gặp Bác Hồ. Những lời dạy của Người hồi đó mãi mãi nhắc nhở ông phải luôn sống và làm việc có ích cho đời.
Nói đến học hành, giọng Măng Lanh sôi nổi hẳn lên. Ông kể lại những chuyện vui ngày ở Trường Dân tộc Trung ương hay lúc hào hứng được học Trung cấp Sư phạm hoặc sang Trung Quốc vừa dạy vừa học rồi những năm đi học Chính trị để lấy bằng đại học,… Theo ông, học hành là việc khó, nhiều khi khó lắm. Nhưng nếu con người ta kiên trì thì mọi chuyện cũng có thể giải quyết được. Không chỉ tự dặn mình như vậy, Măng Lanh còn truyền niềm tin này cho tất cả con cái trong nhà và hàng trăm đồng nghiệp dưới quyền suốt 18 năm làm lãnh đạo ở Phòng Giáo dục Chư Sê. Niềm tin ấy là có cơ sở, bởi ngay cả bây giờ khi đã về hưu gần chục năm rồi, rất nhiều giáo viên trong và ngoài huyện vẫn trân trọng gọi ông bằng “thầy” còn con cái trong nhà ông thì 4/5 người đã hoặc đang hoàn thành chương trình đại học. Măng Lanh nói, chẳng phải bây giờ ông mới được sống thoải mái, vô tư thế này. Ông kể rằng, cả đời làm cán bộ, chưa bao giờ nhận của ai một đồng tiền hay tơ hào chuyện này nọ để vụ lợi. Quan điểm sống của ông là việc gì cũng có lí có tình nhưng nhất định phải công khai, minh bạch. Thành thử, tôi không bao giờ phải nghĩ đến chuyện “hạ cánh an toàn”, ông kết luận rồi cười xòa mà pha chút sắc thế sự đương đại.
Câu chuyện càng về sau lại càng thêm thú vị, tiếc là vì đã hơi khuya, nên tôi muốn tạm dừng để ông đi nghỉ. Vừa lúc đó, thì bà vợ ông cũng trở về. Ông nhỏ nhẹ bảo tôi: Bà xã mình đấy. Con gái Bắc Ninh. Bọn mình cưới nhau năm 1979, bốn năm sau ngày trở lại miền Nam… Những chi tiết này rất có thể thuộc về một nửa câu chuyện mà tôi sẽ kể thêm về nhà giáo Măng Lanh, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức huyện Chư Sê trong một dịp khác.
Nguyễn Quang Tuệ