Nhờ đó, ông phát hiện ra rằng, người Bahnar, Jrai sử dụng những dàn cồng chiêng lớn nhất, kỳ vĩ nhất và có cấu trúc dàn nhạc phức tạp nhất so với các dân tộc Trường Sơn-Tây Nguyên.
“Tinh cốt” của cồng chiêng
“Cồng chiêng là một bộ nhạc cụ kỳ vĩ, tạo nên một nền nghệ thuật kỳ vĩ của Trường Sơn-Tây Nguyên. Vì thế, khi không gian nguyên thủy không còn, phải tách bộ nhạc cụ ra để cứu lấy nó, tạo điều kiện cho nó diễn xướng, để tất cả bạn bè trong nước và quốc tế biết rằng, ở đây có một nền nghệ thuật cồng chiêng hay như thế, bài bản, phong phú và thang âm tuyệt vời như thế. Những dàn cồng chiêng lớn nhất hiện nay đều nằm ở Bắc Tây Nguyên của tộc người Bahnar, Jrai (Gia Lai) và Xê Đăng (tỉnh Kon Tum). Nhưng nếu mỗi dân tộc không giữ được thang âm cổ của mình thì cồng chiêng Jrai sẽ giống Bahnar, Xê Đăng, hoặc tất cả giống thang âm Tây phương. Đó chính là nguy cơ biến mất của bản sắc văn hóa tộc người. Do đó, bảo tồn thang âm chính là bảo tồn cái “tinh cốt” nhất của di sản cồng chiêng”-nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền chia sẻ.
Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền lắng nghe âm thanh cồng chiêng sau khi các nghệ nhân Jrai thực hành chỉnh sửa theo phương pháp do ông truyền đạt. Ảnh: H.N |
Khi không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO trao “vương miện”, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền vẫn thường xuyên đi về với Trường Sơn-Tây Nguyên. Ông luôn đau đáu trước nguy cơ biến mất của thang âm cồng chiêng cổ: “Trước đây, thang âm cồng chiêng được bảo tồn nhờ năng lực nghệ thuật của những già làng tài ba, những thợ chỉnh chiêng tài giỏi. Nhưng lớp người đó ngày càng ít đi, thang âm cổ cũng mất đi ít nhiều”.
Cuối năm 2022, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền được mời làm giám khảo Hội thi cồng chiêng tỉnh Kon Tum lần thứ nhất. Ông thấy rõ hơn sự biến mất của thang âm cổ trong “dàn nhạc kỳ vĩ”. Là một nhà nghiên cứu cổ nhạc, đứng trước nguy cơ mai một của di sản âm nhạc cồng chiêng, ông đầy tâm tư: “Nhiều bộ chiêng sai âm vẫn được bà con mang ra biểu diễn. Nhiều người thậm chí không nhận ra chiêng sai. Cũng có những làng biết bộ chiêng của mình “bị ốm”, cần được “chữa bệnh” nhưng giá chỉnh 1 bộ cồng chiêng có khi lên tới 3-5 triệu đồng, nên biết sai mà vẫn mang ra chơi. Nhưng tiếng chiêng sai tựa như tiếng đàn bị “phô”.
Chúng ta cứ tưởng tượng dàn cồng chiêng là 1 cây đàn khổng lồ, nếu các nốt “phô” hết thì làm sao chơi hoàn hảo một bản nhạc. Nếu không giữ được thang âm cồng chiêng đồng nghĩa với việc đánh mất sự phong phú, đa dạng, đánh mất bản sắc tộc người. Qua liên hoan có thể nhìn thấy “lỗ hổng” rất lớn trong công tác bảo tồn hiện nay. Đó là những tay chỉnh chiêng chuyên nghiệp ngày càng ít ỏi. Rất nhiều bộ chiêng đã được chỉnh thành thang âm Tây phương rồi mà bà con không biết”.
Sau hội thi, tháng 6-2023, tỉnh Kon Tum mời nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền dạy chỉnh chiêng cho 14 nghệ nhân theo phương pháp mới mà ông đã dày công nghiên cứu. Tất cả 14 nghệ nhân tham gia lớp học đều có khả năng thực hành. Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền khẳng định đây là phương pháp bền vững và có thể phổ cập, “phủ sóng” cho cộng đồng.
Phổ cập "Kỹ thuật bí truyền"
Sau thành công của tỉnh Kon Tum, tỉnh Gia Lai cũng lập tức vào cuộc. Trong tháng 8 và 9-2023, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch mời nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền và Nghệ sĩ Ưu tú Phạm Chí Khánh về truyền dạy chỉnh chiêng cho 20 nghệ nhân Bahnar và 26 nghệ nhân Jrai. Sự kết hợp của 2 “phù thủy” cổ nhạc cùng với những chủ nhân của di sản cồng chiêng khiến lớp học vô cùng đặc biệt và thú vị, đó là thầy cũng là trò, mà trò cũng là thầy.
Nếu Nghệ sĩ Ưu tú Phạm Chí Khánh có hơn nửa thế kỷ nghiên cứu, chế tác nhạc cụ dân tộc, thì nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền lại nghiên cứu chuyên sâu về cổ nhạc. Ông được đánh giá “là nhà nghiên cứu âm nhạc duy nhất tại Việt Nam cho tới lúc này dám bước chân vào khu rừng đầy rẫy trúc trắc của âm luật, khuôn thước và thang âm của cổ nhạc truyền thống.
Các chuyên gia dùng đàn guitar làm thước để hướng dẫn nghệ nhân cách đo thang âm cồng chiêng. Ảnh: H.N |
Chỉnh chiêng từ xưa đến nay vẫn được xem là kỹ thuật bí truyền, dựa vào kinh nghiệm của “người tài”, người được Yàng ban cho năng lực đặc biệt. Nhưng tất cả những yếu tố kỳ bí ấy giờ đây đã được đưa ra ánh sáng khoa học. Khóa học đã chia làm 2 phần là gò chỉnh nhạc cụ và nhận diện từng loại thang âm cổ của cồng chiêng. Với kinh nghiệm hơn nửa thế kỷ chế tác nhạc cụ dân tộc, Nghệ sĩ Ưu tú Phạm Chí Khánh giúp các nghệ nhân nhận diện các loại cồng chiêng. Từ đó, mỗi loại có 1 cách gò chỉnh trên mặt chiêng để tạo nên âm cao hoặc thấp, đồng thời khử tạp âm để tiếng chiêng trở về đúng với sự thanh khiết tự nhiên, như sông suối, như núi rừng cội nguồn.
Nói về phương pháp mới này, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền cho biết: “Tôi dùng chính nhạc cụ Tây là cây đàn guitar làm thước để mọi người so sánh với cồng chiêng. Thang âm cổ khác so với thang âm đồ rê mi trên guitar. Nếu chạm vào phím này thì là nốt của nhạc Tây, còn về thang âm cổ của cồng chiêng Bahnar hoặc Jrai thì cần dịch lên hoặc dịch xuống. Như vậy, ngoài việc nghe, nghệ nhân được hiểu bằng mắt, độ lớn từng quãng một và mọi thứ đều trở nên hết sức minh bạch, dễ hiểu. Chúng tôi hướng dẫn cho nghệ nhân những thủ thuật, phương pháp khoa học để mọi người biết khi sai âm chỉnh vào đâu thì cao lên, chỗ nào thì thấp xuống, từ đó làm cho việc chỉnh chiêng trở nên đơn giản”.
Cả 2 lớp chỉnh chiêng Bahnar, Jrai đều có sự tham gia của các nghệ nhân chỉnh chiêng tài giỏi của cộng đồng lẫn thế hệ trẻ. Nghệ nhân Ksor Kôk (buôn Sai, xã Chư Ngọc, huyện Krông Pa) là học trò xuất sắc của nghệ nhân chỉnh chiêng tài danh Nay Phai ở vùng hạ du sông Ba. Ông cho biết: “Hai phương pháp truyền dạy đối lập nhau. Trước đây, mình được thầy Nay Phai dạy chỉnh chiêng dựa trên kinh nghiệm là chính. Thang âm cồng chiêng chỉ được lưu lại trong trí nhớ, phải có tai thẩm âm mới nhận ra đúng hay sai. Nhưng thầy Bùi Trọng Hiền lại có cách dạy mới mẻ, dễ áp dụng hơn, đó là đo thang âm bằng thước, bằng con số. Mình ghi chép lại đầy đủ thông số này, để có thể về truyền dạy lại cho bà con một cách dễ hiểu hơn”.
Nghệ nhân Rơ Châm Guk là người chỉnh chiêng tài giỏi của làng Mrông Yố 2 (xã Ia Ka, huyện Chư Păh) cũng thừa nhận cái hay trong phương pháp mới. Ông cho biết: “Tham gia lớp học, nghệ nhân khi lên đây đều mang theo những bộ chiêng quý, chiêng cổ của làng hoặc của gia đình mình, học lý thuyết xong thì thực hành ngay trên những bộ chiêng đó. Học chừng 10 ngày là có thể chỉnh chiêng đúng về thang âm cổ. Còn trước đây, mình học chỉnh chiêng bằng trí nhớ, phải tính bằng năm mới thực hành được”.
Nghệ nhân Guk cho biết thêm, gia đình ông có 2 bộ chiêng cổ, mỗi bộ có hàng chục chiếc lớn, nhỏ với nhiều cao độ khác nhau. Lâu nay, ông đã hướng dẫn nhiều người muốn học chỉnh chiêng nhưng hiếm có người nào học đến nơi đến chốn. Còn Nghệ nhân Ưu tú Đinh Dốch (làng U Diếp, xã Kông Htok, huyện Chư Sê) là người lớn tuổi nhất tham gia lớp truyền dạy chỉnh chiêng. Ông cho biết, bản thân đã già và tiếp nhận những kiến thức mới mẻ với những con số không còn dễ dàng. Nhưng ông thấy phương pháp mới rất hay, khoa học, hy vọng thế hệ trẻ có thể tiếp nhận về truyền đạt lại cho bà con để làng nào cũng có người chỉnh chiêng.
Với thế hệ trẻ như anh Siu Thanh (SN 1998, làng Plei Djriêk, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh), kỹ thuật chỉnh chiêng lâu nay như khoác một màn sương hư ảo, khó tiếp cận thì nay hoàn toàn sáng rõ. Anh cho hay: “Mình biết chơi chiêng từ nhỏ và thường xuyên đi dạy đánh cồng chiêng cho các làng và học sinh Trường THCS Dân tộc nội trú huyện. Nhưng chiêng sai âm thì mình không biết sửa. Tham gia lớp học của thầy Hiền, mình có thể phân biệt tiếng chiêng đúng hay sai, nhất là thang âm của cồng chiêng Jrai hay Bahnar. Thầy Hiền giúp mình hiểu rằng phải giữ thang âm cổ truyền của người Jrai mới có thể bảo tồn được bản sắc văn hóa Jrai”.
Nghệ sĩ Ưu tú Phạm Chí Khánh từng thốt lên: “Thang âm cồng chiêng quá hay. Chỉ cần mỗi nốt chênh được chỉnh về đúng cao độ, đúng với thang âm cổ truyền sẽ thấy âm nhạc cồng chiêng quá đẹp, nghe vô cùng hấp dẫn, quyến rũ”. Còn nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền thì cho rằng, bảo tồn thang âm cổ cũng là bảo tồn kho tàng âm nhạc cồng chiêng vô cùng phong phú, nhiều màu sắc. “Sự phong phú và đa dạng của cồng chiêng Tây Nguyên nằm ở thang âm cổ. Nhưng chúng ta mới chỉ tiếp cận cồng chiêng qua các bài nhạc trong nghi lễ, lễ hội như đâm trâu, mừng lúa mới, bỏ mả… và ít được nghe cồng chiêng chơi những bản nhạc đời thường về tình yêu, đi hái rau rừng, đi săn con thú. Nó hay vô cùng, hấp dẫn, lấp lánh vô cùng. Chính điều đó khiến cho cồng chiêng Tây Nguyên trở thành một di sản quý giá, vượt thời gian”-ông nhấn mạnh.
Vì lẽ đó, văn hóa Tây Nguyên, trong đó có cồng chiêng đã và đang được gìn giữ, bảo vệ bằng nhiều cách. Trong đó, trao cho bà con phương pháp để họ tự bảo tồn thang âm cổ trên dàn nhạc cồng chiêng kỳ vĩ, được xem là cách làm bền vững.