Nhìn lại hành trình 20 năm, tinh thần tình nguyện ấy thật đúng với câu hát: “Bàn chân ta qua xanh miền đất lạ/Đi xây cuộc đời xanh những bài ca”.
Thanh xuân trên đất khó
Ngày ấy, đến từ nhiều tỉnh, thành khác nhau, cả đội 36 người được phân về 9 xã gồm: Kon Thụp, Kon Chiêng, Đak Trôi, Đê Ar (huyện Mang Yang) và Ia Pếch, Ia Khai, Ia Krai, Ia O, Ia Chía (huyện Ia Grai). Anh Nguyễn Ngọc Thọ-Trưởng phòng Đoàn thể và Các hội quần chúng (Ban Dân vận Tỉnh ủy), thành viên của đội-bồi hồi kể: “Bây giờ, mỗi lần đi công tác ngang ngã ba Năm Đạt-đường dẫn vào các xã đặc biệt khó khăn của huyện Mang Yang, tôi cứ nhìn hút vào. Là vì, một thời tuổi trẻ của chúng tôi ở đó”.
Tháng 8-2003, Bí thư Huyện Đoàn Mang Yang là anh Đinh Y Khoa đã đưa cả 4 nhóm trí thức trẻ tình nguyện về tận các xã, mỗi xã 4 người. Mùa mưa Tây Nguyên kéo dài khiến con đường trở nên lầy lội không thể tả. Đi từ đầu giờ chiều mà mãi đến khi trời gần tắt nắng, họ mới đến nơi dù chỉ vài mươi cây số.
Đó cũng là tình cảnh chung mà những đội viên huyện Ia Grai phải đối mặt trong những ngày công tác tại đây. Anh Vũ Đức Long-Phó Hiệu trưởng Trường THCS số 2 Ia Phí (huyện Chư Păh) hồi tưởng: Muốn qua những con dốc trơn như bôi mỡ ở xã Ia O, các anh phải quấn xích vào bánh xe. Mưa cũng khiến các “công ty 2 sọt” không thể thường xuyên vào tận nơi nên cả nhóm đành ăn tạm cơm với đọt mì luộc chấm muối trắng. Nhiều xã chưa có điện, điện thoại di động là thứ vô cùng xa xỉ. Đời sống người dân còn rất khó khăn. Thêm vào đó là một ký ức đau buồn đối với cả đội: Khi vừa xuống địa bàn xã Đak Trôi được vài tháng, chị Nguyễn Thị Ngọc (quê Thanh Hóa) chẳng may mắc sốt rét ác tính. Chị đã mãi mãi gửi lại thanh xuân rực rỡ ở xã vùng khó này.
Đội trí thức trẻ tình nguyện trước giờ xuất quân về 9 xã đặc biệt khó khăn của tỉnh năm 2003 (Ảnh nhân vật cung cấp). |
Nhưng tuổi trẻ lúc nào cũng mang năng lượng tích cực không ngờ. Tùy vào lĩnh vực chuyên môn đã được đào tạo, họ vượt khó, phân công nhau tích cực phụ trách các nhiệm vụ: chăm sóc sức khỏe người dân; dân vận trong tình hình mới; khuyến nông, xóa đói giảm nghèo, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; tham mưu, giúp việc cho bộ máy chính quyền địa phương; củng cố tổ chức Đoàn-Hội-Đội… “Các đội viên hầu hết vừa mới ra trường, còn nhiều bỡ ngỡ trong định hướng nội dung công việc của mình. Nhưng bù lại, các bạn có kỷ luật và lòng nhiệt tình”-chị Nguyễn Thị Xuân-Phó Bí thư Huyện Đoàn Ia Grai khi đó nhận định.
Dấu ấn tình nguyện
Anh Nguyễn Ngọc Tân hiện là chuyên viên Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh. Anh kể về những ngày đầu tiên cùng cả đội có mặt tại xã biên giới Ia O: “Hồi đó, tôi ngạc nhiên lắm. Cán bộ xã lên huyện họp mà chỉ đi tay không, không cầm theo bất cứ báo cáo, giấy tờ gì. Lãnh đạo huyện hỏi gì thì trả lời nấy”.
Để hỗ trợ, họ lên kế hoạch giúp xã cách thức soạn thảo văn bản, báo cáo để nâng cao hiệu quả hoạt động. Tốt nghiệp Khoa Toán-Tin học (Đại học Đà Lạt), anh Tân còn giúp cán bộ xã tiếp cận dần với Tin học văn phòng. Thêm vào đó, cả nhóm hỗ trợ kiện toàn tổ chức Đoàn, Hội Phụ nữ; hướng dẫn cải tạo vườn tạp, trồng cây xóa đói giảm nghèo như: mì, điều; vệ sinh đường làng ngõ xóm; tuyên truyền, vận động người dân từ bỏ những hủ tục chôn chung, hôn nhân cận huyết… Nhớ nhất là lớp học xóa mù chữ cho khoảng 20 người dân làng Kúc. Đêm đêm, bên ngọn đèn dầu, cả nhóm phối hợp với Đội Công tác địa bàn (Đồn Biên phòng Ia O) dạy các học viên từng con chữ. Thấy thanh niên tình nguyện nhiệt tình “3 cùng”, lại dạy cho cái chữ, bà con thương quý lắm, nhiệt tình hỗ trợ nhiệm vụ chung.
Đến giờ, người dân xã Kon Chiêng còn nhớ dấu ấn tình nguyện của các đội viên trí thức trẻ trong việc khai hoang cánh đồng rộng 25 ha ở làng Tar để trồng lúa nước. Ông Đinh Rum-nguyên Bí thư Đoàn xã, nay là Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã-nhớ lại: Hôm ấy, hàng trăm người trong làng cùng tập trung vỡ đất tạo nên khí thế vô cùng sôi nổi. Nhưng khi đội trí thức trẻ hướng dẫn bà con dùng phân chuồng bón lót thì bà con không đồng tình. Là vì từ trước đến nay, người Bahnar trong vùng chủ yếu canh tác tự nhiên, không có thói quen bón phân cho cây trồng. Để thuyết phục dân làng, không có cách nào khác ngoài tuyên truyền tiến bộ khoa học kỹ thuật và chứng minh bằng hiệu quả mang lại. Cả nhóm trí thức trẻ ít nhiều có kinh nghiệm nhờ lớn lên từ “gốc rạ” nên bàn nhau trồng trình diễn 1 sào lúa nước bón lót phân chuồng. Và khi tận thấy lúa của thanh niên tình nguyện cho năng suất cao hơn hẳn, bà con mới tin, nghe và làm theo. Khi dự án kết thúc vào năm 2005, nhóm còn tặng xã vườn điều 1.000 cây và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch.
Đất lạ hóa quê hương
Ngày lên đường đi nhận nhiệm vụ ở xã Đê Ar 20 năm trước, chưa bao giờ đội viên Phạm Văn Cường (quê Hải Dương) nghĩ rằng mình sẽ gắn bó lâu dài. Chuyện trò cùng chúng tôi, anh Cường hóm hỉnh chia sẻ rất chân thật về cảm xúc khi đó: “Xuất quân tới xã An Phú (TP. Pleiku) là tôi đã dao động. Khi đến dốc Kon Thụp, chứng kiến đường đi quá khó khăn vào mùa mưa, tôi đã có ý định… bỏ trốn! Nhưng sau buổi sinh hoạt, giao lưu đầu tiên với đội, với xã thì có phần yên tâm, bắt đầu lên tinh thần”.
Tháng ngày dần trôi với những thành quả mang đến, kẻ rắp tâm “đào ngũ” ngày đó lần lượt gắn bó với các xã nghèo Đêr Ar, Kon Chiêng, Đak Trôi suốt từng ấy năm qua trong vai trò cán bộ địa chính. Tìm trong ký ức những ngày cùng cả nhóm tham gia sinh hoạt Đoàn với các làng, phụ trách nông-lâm nghiệp, giúp người dân trồng rau, chăm sóc lúa, tham mưu đo đạc đất đai, cấp “sổ đỏ” đúng theo quy định của pháp luật…, anh Cường trầm ngâm: “Đúng là phải qua khó khăn thử thách thì con người ta mới trưởng thành”.
Cùng suy nghĩ, anh Vũ Đức Long (quê Ninh Bình) cho rằng, khoảng thời gian tham gia đội trí thức trẻ tình nguyện là vô cùng giá trị. Những ngày gian nan nơi xã biên giới Ia O đã giúp anh thêm nhiều kinh nghiệm khi tiếp cận công tác mới ở xã Ia Phí (huyện Chư Păh) với nghề gõ đầu trẻ. Nơi đây, việc vận động học sinh 3 làng đặc biệt khó khăn vùng lòng hồ (Tum, Kênh, Jút) ra lớp khó khổ không kém, nhưng anh đã vượt qua, trang bị cho mình nhiều kỹ năng cần thiết. Những kinh nghiệm quý ấy giúp anh ngày một vững vàng hơn trên cương vị Phó Hiệu trưởng Trường THCS số 2 Ia Phí.
Còn anh Nguyễn Ngọc Thọ, ra đi từ xứ biển Bình Định cũng nhanh chóng trưởng thành và gắn bó với vùng đất cao nguyên khi lần lượt kinh qua nhiều “vai”, nay là Trưởng phòng Đoàn thể và Các hội quần chúng (Ban Dân vận Tỉnh ủy). Anh Thọ khẳng định: Khoảng thời gian tham gia dự án đã giúp bản thân hiểu thêm thực tế vùng khó, rèn luyện bản lĩnh. Niềm vui càng nhân lên khi đồng đội Nguyễn Thị Toan, cô gái quê Bắc Giang đã cùng anh hợp thành một gia đình nhỏ hạnh phúc. Hiện chị là giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (TP. Pleiku).
Đúng như tinh thần của dự án, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, các đội viên trí thức trẻ tình nguyện đều được ưu tiên tuyển dụng. Nhìn lại hành trình 20 năm, mỗi người đều có sự trưởng thành và cống hiến nhất định ở nơi mà mình đã gắn bó cả tuổi thanh xuân. Trong cuộc hội ngộ được tổ chức tới đây, đội lại vắng thêm 1 người, đó là chị Nguyễn Thị Yến-giáo viên tận tâm của Trường Tiểu học Kông Lơng Khơng (huyện Kbang). Cuối năm 2013, trên đường đi dạy, chị cùng 1 đồng nghiệp đã không may bị nước lũ cuốn trôi…
Dù vậy, trên tất cả, vẫn reo vang những xúc cảm trong trẻo, yêu thương khi nhắc về tình thân như ruột thịt mà các đội viên may mắn có được trong đời. Để rồi lại thầm mong: “Nếu có ước muốn trong cuộc đời này/Hãy nhớ ước muốn cho thời gian trở lại…”.
PHƯƠNG DUYÊN