Báo xuân

Những nẻo đường xuân

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Tôi ngồi sát cạnh một dòng sông, giữa thành phố hoa lệ bậc nhất cả nước, nhìn dòng người thong dong thả bước giữa lấp lánh sắc màu của đèn điện và hàng trăm thứ hoa. Đang là chớm xuân.

Vậy là, tôi cũng có dịp trải bước trên những nẻo đường xuân ở khá nhiều miền đất khác nhau. Những mùa xuân xúng xính áo khăn, xoa xuýt trong mưa xuân rét ngọt cùng hoa đào xứ Bắc nằm mãi trong một khoảng ký ức luôn đẹp mãi, còn vẹn nguyên như hơi rượu gạo chắt ra từ gian bếp thơm lựng mùi khói. Có lẽ nhớ nhất là cảm giác ai ai cũng bận rộn trong những ngày giáp Tết. Mẹ luôn chân luôn tay dọn chỗ này, bày chỗ kia, rồi nhắc chúng tôi sắp xếp lau chùi đồ đạc trong nhà. Tết đến, mọi thứ đều phải thật tươm tất. Từ sân vườn ngõ tường, đến cả những cái cây cũng được chúng tôi quét một lớp vôi trắng ở đoạn sát gốc, gọi là mặc áo mới cho cây. Những ngày cuối năm, mùi thơm của hương trầm luôn gợi trong lòng người cảm giác ấm áp và thiêng liêng. Quyện vào hương thơm âm ấm đó là màu hoa đào in vào nền trời đùng đục, lất phất mưa xuân như rây bột. Bốn mùa hiện diện trên lá hoa quanh nhà. Sau một mùa đông dài rét mướt, màu hoa đào thắm đỏ bừng lên như đem theo cả ánh nắng xuân. Ngay khi nhìn thấy những chiếc nụ bé xíu hé con mắt hoa phớt hồng lấm tấm trên đám cành mốc thếch xù xì như kẻ ngái ngủ lúc trời còn buôn buốt thì lòng như đã nhìn thấy cả một mùa xuân ngập tràn những sắc hoa.

Nét đẹp Tết quê. Ảnh: Thạch Minh Lễ

Nét đẹp Tết quê. Ảnh: Thạch Minh Lễ

Phương Nam không có mưa xuân và rét ngọt khi Tết đến. Mặt trời rực rỡ, nắng ngập tràn và dưới nắng trời là sắc vàng của hoa mai. Nếu hoa đào được ví như linh hồn của mùa xuân xứ Bắc thì sắc mai vàng cũng là bộn bề nỗi nhớ niềm thương của những người con phương Nam. Bao năm trên đất phương Nam, tôi vẫn như lạc đi trong cảm giác mê đắm mỗi lần trở về với xóm nhỏ ven chân núi khi những cây mai rực rỡ sắc hoa. Những cây mai đã cùng lũ trẻ xóm núi lớn lên, người lớn đến đâu, cây cao đến đó. Cây lá cũng có một đời sống riêng, ít nhất trong cảm nhận của tôi là như vậy. Chúng tôi nhìn vào sắc lá để cảm nhận từng bước đi của thời gian, rồi lại nhìn màu hoa về trên cành lá để cảm nhận được mỗi một vòng thời gian trôi qua như thế nào. Khi cội mai trước ngõ trút hết những chiếc lá già, chỉ còn những cành nhỏ gầy guộc níu vào gió trời, chúng tôi sẽ đem hong ít măng khô được sấy cất từ giữa mùa mưa, phơi lại mẻ đậu xanh còn để dành gói bánh chưng, rồi xay ít bột nếp để chuẩn bị làm mấy thứ bánh quê quen thuộc.

Hội thi gói bánh tét, bánh chưng “Hương vị ngày xuân” do Công đoàn Viên chức tỉnh tổ chức. Ảnh: Đinh Yến

Hội thi gói bánh tét, bánh chưng “Hương vị ngày xuân” do Công đoàn Viên chức tỉnh tổ chức. Ảnh: Đinh Yến

Tôi có những người họ hàng, những người bạn, người quen đang sinh sống, làm việc và học tập ở nước ngoài. Mỗi năm, dịp Tết cổ truyền, luôn thấy họ tổ chức gặp mặt hội những người Việt và tham gia các hoạt động đón Tết. Tết của người Việt xa xứ cũng có bánh chưng xanh, có đôi câu đối đỏ, có những món ăn truyền thống đậm vị hương ngày Tết, có cả hoa mai hoa đào rực rỡ mọi phương trời. Họ cũng trang trọng trong sắc phục cổ truyền-áo dài khăn đóng, thành kính lễ bái tổ tiên và vãn chùa lễ Phật. Dẫu ở đâu cũng nhận thấy ắp đầy trong mỗi con người những nét riêng thuần Việt. Phải chăng cái chất riêng của người Việt đã ngấm vào vóc dáng, vào tiếng nói nét cười. Để rồi, dẫu mỏi bước áo cơm phương trời nào, người Việt cũng luôn dõi vọng về quê hương xứ sở. Đó là lý do vì sao tôi lại thấy sự vắng vẻ khác ngày thường ở cái thành phố hoa lệ nhộn nhịp đông vui vào bậc nhất đất nước, ngay trong những ngày chớm xuân. Như tôi, dẫu đem lòng mê đắm đất phương Nam nắng gió, vẫn không khỏi lặng đi rất lâu khi trông thấy một cành đào như những nét chì ngoằn ngoèo bò trên mái ngói nâu trầm sắc rêu năm tháng. Trên cái nền màu xam xám trầm trầm ấy, điểm vào những đóa hoa thắm đỏ, tựa nắng ấm, tựa tiếng reo vui, tựa niềm hạnh ngộ cố nhân, tựa bước chân được trở về trên một con đường đã từng thân thuộc…

Muôn nẻo đường đời, con đường đi về phía mùa xuân, trở về phía quê hương, gia đình, về với tình thương mến luôn là nẻo đường đẹp nhất trong lòng người. Nẻo đường đó không chỉ rực rỡ sắc hoa xuân mà còn cất giữ tất cả hy vọng, ngập tràn ấm áp. Phía con đường ấy có cổng nhà, có dáng mẹ trên bậc thềm xưa cũ, có hương trầm ngát thơm quyện vào những nụ hoa hàm tiếu… Tất cả, là một mùa xuân đón đợi bước người về.

Có thể bạn quan tâm