Chuyển đổi số để phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Chuyển đổi số không còn là việc của các đô thị hiện đại mà len lỏi tới mọi ngõ ngách cuộc sống, đến vùng sâu, vùng xa; không chỉ là việc của các cơ quan nhà nước mà là số phận của từng doanh nghiệp, người dân.

Chuyển đổi số được xem là đại cách mạng khoa học công nghệ, tạo nên bước nhảy thần kỳ của đời sống xã hội. Quốc gia, dân tộc, địa phương, doanh nghiệp nào tận dụng sớm thành tựu của chuyển đổi số sẽ nhanh chóng phát triển, bỏ qua quy luật thông thường. Giá trị và sự giàu có đang chuyển dịch từ sở hữu tài sản hữu hình sang tài nguyên vô hình. Tài nguyên số hóa không giới hạn địa lý, không gian, thời gian mà lệ thuộc vào trí tuệ và cơ hội vận dụng nền tảng công nghệ vào cuộc sống. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhận định về sự chuyển dịch quan trọng của thế giới trong 10 năm tới: Công nghệ trở thành lực lượng sản xuất cơ bản; nhân tài trở thành nguồn lực cơ bản và đổi mới trở thành động lực cơ bản. Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 10-10 hàng năm làm Ngày Chuyển đổi số quốc gia.

Bức tranh ICT Việt Nam năm 2022 lại chứng kiến sự chuyển động mạnh mẽ về chuyển đổi số. Ảnh nguồn internet

Bức tranh ICT Việt Nam năm 2022 lại chứng kiến sự chuyển động mạnh mẽ về chuyển đổi số. Ảnh nguồn internet

Gia Lai là tỉnh nghèo về tài nguyên, xa các trung tâm khoa học công nghệ, kinh tế, tài chính quốc gia, bất lợi về hạ tầng giao thông… Vì vậy, muốn nhanh chóng vươn lên, rút ngắn khoảng cách phát triển với các khu vực khác trong nước thì phải nhanh chóng phát triển 3 trụ cột: chính quyền số mà tiền đề là chính quyền điện tử, kinh tế số và xã hội số. Việc nhanh chóng đi “tắt đón đầu” chuyển đổi số ở cấp độ nào sẽ là thách thức lớn đối với sự phát triển của tỉnh nhà.

Năm 2022, mức độ chính quyền điện tử tại các đơn vị Gia Lai có sự tiến bộ so với năm 2020 và 2021, thể hiện qua điểm số và mức độ xếp hạng hầu hết đều tăng so với năm trước. Hạ tầng công nghệ thông tin tại các cơ quan nhà nước đã được đầu tư, nâng cấp, đáp ứng yêu cầu cơ bản cho hoạt động xây dựng chính quyền điện tử. Hệ thống hội nghị truyền hình của tỉnh đã đồng bộ từ tỉnh đến tất cả UBND cấp xã. Một cửa điện tử triển khai 100% đơn vị hành chính từ cấp tỉnh đến cấp xã. Cổng dịch vụ công của tỉnh được tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia. Ủy ban nhân dân TP. Pleiku đầu tư xây dựng và chính thức đưa vào vận hành Trung tâm giám sát, điều hành và cung cấp một số dịch vụ đô thị thông minh. Nhiều hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành được các đơn vị, địa phương triển khai, đưa vào sử dụng hiệu quả.

Tỉnh đã tập trung phát triển doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025. Đào tạo kiến thức về khởi sự kinh doanh và quản trị kinh doanh chuyên sâu; hỗ trợ, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh, hợp tác xã, các chủ thể có sản phẩm OCOP áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo tiêu chuẩn quốc gia. 100% doanh nghiệp của tỉnh đã sử dụng hóa đơn điện tử. Tỉnh đã phát triển các sàn giao dịch thương mại điện tử địa phương, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh số trong giao dịch thương mại điện tử hàng năm đều tăng.

Xã hội số được triển khai rộng khắp với hạ tầng và dịch vụ bưu chính, viễn thông phát triển cả về số lượng và chất lượng. Nền tảng địa chỉ số quốc gia gắn với bản đồ số trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã được triển khai. 100% UBND cấp xã thiết lập kênh giao tiếp trên nền tảng Zalo để cung cấp thông tin với người dân; đã thành lập các Tổ Công nghệ số cộng đồng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận công nghệ thông tin, ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư... Theo đánh giá xếp hạng chuyển đổi số năm 2021 công bố năm 2022, Gia Lai đứng thứ 39/63 tỉnh, thành, chính quyền số đứng 42/63, kinh tế số 48/63 và xã hội số là 43/63.

Chuyển đổi số là yêu cầu mới, nhiều chỉ tiêu về chuyển đổi số có yêu cầu rất cao, nhất là các chỉ tiêu liên quan đến người dân, doanh nghiệp; trong khi đó, mặt bằng chung về trình độ công nghệ thông tin của người dân trên địa bàn tỉnh còn thấp. Một số lãnh đạo đơn vị, địa phương chưa xác định nhiệm vụ chuyển đổi số là nhiệm vụ của ngành, địa phương mình, mà xem đây là nhiệm vụ của cơ quan chuyên trách về công nghệ thông tin. Nguồn nhân lực có chuyên môn về công nghệ thông tin của Gia Lai còn yếu và thiếu. Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin tại tỉnh rất ít; chưa có doanh nghiệp công nghệ số đủ năng lực, kinh nghiệm tham gia, thúc đẩy chuyển đổi số của địa phương. Địa bàn tỉnh rộng, dân cư phân bố không đồng đều, nhiều khu vực thuộc vùng sâu, vùng xa nên phát triển hạ tầng viễn thông, phủ sóng di động băng rộng khó khăn, khoảng cách hưởng thụ thông tin giữa khu vực nông thôn và thành thị còn cách biệt khá lớn. Tuy nhiên, khi chuyển đổi số là động lực tất yếu để phát triển, “việc của toàn dân toàn diện”, vậy nên hệ thống chính trị và người dân tỉnh nhà cần vào cuộc với thái độ quyết liệt hơn nữa. Chúng ta sẽ khắc phục những khó khăn, hạn chế, thách thức, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số ở 3 trụ cột chính, đưa Gia Lai dần vươn lên tốp đầu chuyển đổi số quốc gia.

HOÀNG DŨNG

Có thể bạn quan tâm