Báo xuân

Hỗ trợ thuế “khoan thư sức dân”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tạo động lực tăng trưởng

Một trong số chính sách hỗ trợ về thuế được triển khai sớm nhất là giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% xuống còn 8%, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ như: viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm... Việc giảm 2% thuế GTGT không chỉ góp phần tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp mà còn tạo động lực kích cầu tiêu dùng hiệu quả ở các ngành, lĩnh vực thuộc đối tượng giảm thuế suất. Nói về tác động có lợi của chính sách này đối với tình hình kinh doanh của doanh nghiệp phân phối, bán lẻ hàng tiêu dùng, ông Bùi Quốc Bình-Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Pleiku-cho biết: “Bản chất của thuế GTGT là người tiêu dùng cuối cùng chịu thuế. Việc giảm 2% thuế GTGT đã tạo thêm động lực tiêu dùng. Nhu cầu và sức mua tăng mạnh nhất là trong quý II, III-2022 đã giúp Co.op Mart Pleiku sớm đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch để về đích sớm. Mặc dù trong quý IV, sức mua đang chững lại song dự báo mùa Tết Nguyên đán 2023, doanh thu sẽ tăng trưởng khoảng 5% so với cùng kỳ và tăng khoảng 30-40% so với ngày thường”.

Người dân mua sắm bánh kẹo Tết tại Siêu thị Co.op Mart Pleiku. Ảnh: Đ.T

Người dân mua sắm bánh kẹo Tết tại Siêu thị Co.op Mart Pleiku. Ảnh: Đ.T

Cũng với mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế, chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước là một mũi tên trúng nhiều đích. Xuyên suốt thời gian chính sách có hiệu lực, thị trường ô tô tại Gia Lai thực sự “nóng” lên khi nguồn cung không đáp ứng đủ nhu cầu, doanh số bán xe tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ đã tiếp thêm động lực cho nhiều doanh nghiệp phấn đấu tăng trưởng vượt kế hoạch đề ra. Ông Trần Văn Thịnh-Tổng Giám đốc Toyota Gia Lai-nhận định: “Mục tiêu của Toyota Gia Lai năm 2022 là bán ra thị trường 700 xe. Tuy nhiên, từ tình hình kinh doanh khả quan của 3 quý đầu năm, Toyota Gia Lai đã sớm đạt 95% kế hoạch. Đến tháng 11, chúng tôi đã bán ra 684 xe và vẫn đang dẫn đầu về thị phần ô tô tại Gia Lai”. Năm 2022, thị trường ô tô nói chung và Toyota Gia Lai nói riêng tiếp tục đà tăng trưởng khả quan là nhờ hội đủ nhiều yếu tố thuận lợi, có tác động tích cực như tình hình dịch bệnh được kiểm soát, kinh tế đang trên đà phục hồi, việc định vị thương hiệu, xu hướng tiêu dùng thay đổi. Bên cạnh đó, đương nhiên không thể thiếu các chính sách hỗ trợ về thuế đã phát huy vai trò đòn bẩy trong việc kích cầu tiêu dùng. Người dân được hưởng chính sách giảm lệ phí trước bạ, doanh nghiệp gia tăng doanh số bán xe, nhất là các dòng xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Trong nhóm các chính sách hỗ trợ về thuế, chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ được ban hành và thực thi kịp thời đã góp phần bình ổn giá cả thị trường mặt hàng chiến lược, thiết yếu. Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Ngọc Thạch-Giám đốc Chi nhánh Công ty cổ phần Xăng dầu Dầu khí PV Oil miền Trung tại Gia Lai-cho biết: “Trong năm 2022, thực hiện Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 và Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, số thuế phải nộp của Chi nhánh vào ngân sách giảm 80-100 tỷ đồng”. Thông qua việc thực hiện các chính sách hỗ trợ về thuế, trong đó có chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn vốn là mặt hàng thiết yếu đã có những tác động tích cực và trực tiếp đến đời sống người dân, tình hình phát triển kinh tế-xã hội như giảm bớt áp lực về chi phí tiêu dùng, chi phí đầu vào của hoạt động sản xuất kinh doanh. Một điều có thể thấy rằng, chính sách này là giải pháp khả thi nhằm bình ổn giá xăng dầu, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp có sức bật cần thiết để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế.

Góp phần đưa nguồn thu nội địa về đích sớm

Trong năm 2022, ngành Thuế Gia Lai đã chủ động triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ về thuế, đưa chính sách thuế thực sự đi vào đời sống. Theo đó, đã thực hiện giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho 551 đối tượng nộp với số thuế được giảm 9,6 tỷ đồng; miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và 2021 của các khoản nợ tiền thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho 40 người nộp thuế với số tiền chậm nộp được miễn là 16,7 tỷ đồng; giảm 50% lệ phí trước bạ cho 1.133 người nộp thuế với số tiền 49,3 tỷ đồng; giảm 2% thuế suất thuế GTGT đối với 5.181 đối tượng nộp thuế với số tiền 274 tỷ đồng; giảm thuế bảo vệ môi trường với số tiền 144 tỷ đồng...

Trong 3 quý đầu năm 2022, tổng dung lượng thị trường ô tô Gia Lai đạt 2.166 xe, tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021. Ảnh: S.C

Trong 3 quý đầu năm 2022, tổng dung lượng thị trường ô tô Gia Lai đạt 2.166 xe, tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021. Ảnh: S.C

Theo ước tính của ngành Thuế, số tiền thuế, phí, lệ phí thực hiện miễn giảm khoảng 700 tỷ đồng, trở thành nguồn lực tái tạo cần thiết giúp người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, góp phần thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế-xã hội sau đại dịch Covid-19. Bàn thêm về điều này, Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Pleiku cho rằng: “Ở góc độ doanh nghiệp phân phối, bán lẻ hàng tiêu dùng, chính sách hỗ trợ về thuế thực sự là đòn bẩy kích cầu tiêu dùng hiệu quả, tăng sức mua trên thị trường, mang lại lợi ích cho cả người dân và doanh nghiệp. Doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng thì các khoản thuế đóng góp vào ngân sách nhà nước cũng sẽ tăng. Do đó, chúng tôi mong muốn Nhà nước tiếp tục có các chính sách hỗ trợ thiết thực cho người dân và doanh nghiệp”.

Trong những năm gần đây, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh duy trì mức đóng góp khoảng 60% tổng thu ngân sách nhà nước. Do đó, việc thực hiện các chính sách thuế đúng đối tượng, đúng thời điểm không chỉ góp phần gỡ khó cho doanh nghiệp trong ngắn hạn mà còn là giải pháp nuôi dưỡng gốc rễ cho tương lai. Ông Nguyễn Tuấn-Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh-nhìn nhận: “Chính sách thuế luôn sát sườn và liên quan mật thiết đối với sức khỏe doanh nghiệp. Một điều không thể phủ nhận là chính sách hỗ trợ về thuế liên hoàn với các chính sách khác đã góp phần giảm bớt áp lực, khó khăn cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp “trở mình” phục hồi tăng trưởng sau đại dịch. Điều này đã thể hiện rõ nét nhất trong quý II, III-2022. Việc giảm thuế, gia hạn thời gian nộp thuế đã giúp doanh nghiệp có nguồn tài chính ngắn hạn để đưa trở lại vào hoạt động sản xuất kinh doanh, tái tạo nguồn lực để tiếp tục đóng góp vào ngân sách nhà nước”.

Nhờ thực hiện chính sách “khoan thư sức dân” đã tạo đòn bẩy giúp nguồn thu nội địa do ngành Thuế quản lý sớm về đích, đạt và vượt dự toán Trung ương giao. Tính đến cuối tháng 11-2022, số thu nội địa đạt 5.175 tỷ đồng, bằng 103,2% dự toán Bộ Tài chính giao, bằng 95,4% dự toán HĐND tỉnh giao. Hầu hết các khoản thu, sắc thuế chính đạt và vượt dự toán giao. Đánh giá về tình hình thu ngân sách nhà nước trong năm 2022, ông Lê Minh Nhựt-Cục trưởng Cục Thuế tỉnh-cho biết: “Năm 2022, dịch bệnh được kiểm soát, thời tiết thuận lợi, giá cả nông sản ổn định, các ngành kinh tế phục hồi tăng trưởng đã góp phần ổn định và tăng nguồn thu cho ngân sách. Nếu nhìn vào tiến độ thu và kết quả thu nội địa thì có thể thấy rằng, một chuỗi các chính sách hỗ trợ về thuế đối với người dân và doanh nghiệp đã đạt mục tiêu, hiệu quả đề ra khi tiếp sức kịp thời, tháo gỡ khó khăn và tạo động lực thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế. Hầu hết doanh nghiệp đã quay trở lại guồng hoạt động như trước và tiếp tục đóng góp vào ngân sách nhà nước. Vì thế, năm 2022 tiếp tục là một năm thành công của ngành Thuế trong công tác thu nội địa”.

SƠN CA

Có thể bạn quan tâm