Báo xuân

Ngành Công thương tạo đột phá trong năm 2023

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm 2022, giữa bối cảnh kinh tế khó khăn nhưng ngành Công thương vẫn có nhiều chỉ tiêu tăng trưởng tích cực. Đây là nền tảng quan trọng để tiếp tục có sự bứt phá trong năm 2023.

Công nghiệp, thương mại duy trì đà tăng trưởng

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Công thương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, năm 2022, ngành Công thương đã đạt nhiều kết quả khả quan. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 18,1% so với năm 2021; tổng giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) ước đạt 28.890 tỷ đồng (đạt 100% kế hoạch, tăng 16,4%); tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt hơn 89.642 tỷ đồng (vượt 5,46% so với kế hoạch, tăng 19,05%); kim ngạch xuất khẩu đạt 660 triệu USD (đạt 100% kế hoạch, tăng 8,2%).

Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã quy hoạch 23 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.221,6 ha. Trong đó, 12 cụm công nghiệp đã thành lập và quy hoạch chi tiết với diện tích 391,53 ha; 2 cụm công nghiệp đã quy hoạch chi tiết nhưng chưa thành lập với diện tích 63 ha; 4 cụm công nghiệp chưa thành lập và chưa quy hoạch chi tiết với diện tích 170 ha; 5 cụm công nghiệp chưa triển khai. Tỉnh đang kêu gọi đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cụm công nghiệp dự án Khu Công nghiệp (Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh) và 6 dự án cụm công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp: Đak Djrăng (huyện Mang Yang), Ia Khươl (huyện Chư Păh), Đak Đoa, Phú Thiện, Ia Grai, Kbang.

Sở Công thương đã tham mưu UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo về tăng cường thực hiện các hoạt động khuyến công; tổ chức bình chọn và tôn vinh các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2022 cho 31 sản phẩm/bộ sản phẩm của 27 cơ sở. Qua xét chọn, Cục Công thương địa phương đã công nhận 7 sản phẩm của tỉnh Gia Lai đạt danh hiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực miền Trung-Tây Nguyên năm 2022.

Các mặt hàng nông sản chế biến của tỉnh ngày càng đa dạng. Ảnh: Vũ Thảo

Các mặt hàng nông sản chế biến của tỉnh ngày càng đa dạng. Ảnh: Vũ Thảo

Trong năm qua, thị trường hàng hóa diễn biến tương đối ổn định, nguồn cung dồi dào, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân, không xảy ra tình trạng tăng giá đột biến, gây bất ổn thị trường; ổn định nguồn cung thịt heo, xăng dầu trong điều kiện giá các mặt hàng này thường xuyên biến động. Mạng lưới hạ tầng thương mại của tỉnh cơ bản đáp ứng đầy đủ nhu cầu mua sắm nhu yếu phẩm thiết yếu, vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu của người dân và doanh nghiệp với 96 chợ các loại, 18 siêu thị, 170 cửa hàng tiện lợi, 1.827 cửa hàng chuyên doanh, 7.757 cửa hàng bách hóa tổng hợp; 2 tổng đại lý kinh doanh xăng dầu, 7 đầu mối xăng dầu, 7 thương nhân phân phối, 421 cửa hàng bán lẻ xăng dầu; 5 đơn vị đầu mối, tổng đại lý LPG, 463 cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ LPG chai; 6 thương nhân bán buôn rượu; 6 thương nhân bán buôn thuốc lá, 303 cửa hàng bán lẻ rượu, 260 cửa hàng bán lẻ thuốc lá.

Hoạt động xuất khẩu có nhiều khởi sắc do việc thực thi hiệu quả các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, lượng hàng hóa xuất khẩu tăng vào các dịp lễ mùa đông, Tết Dương lịch tại một số thị trường chính như EU, Mỹ... Cùng với đó, giá các mặt hàng nông sản xuất khẩu như cà phê, trái cây tăng, rồi tình hình mở cửa lại thị trường trong điều kiện bình thường mới trong nước cũng như các quốc gia khu vực châu Âu, châu Á... tạo thuận lợi cho việc thông thương là những yếu tố thúc đẩy hoạt động xuất khẩu. Các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa diễn ra sôi động.

Quyết tâm bứt phá trong năm 2023

Trên cơ sở định hướng phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và dự báo tình hình phát triển công nghiệp-thương mại, Sở Công thương đã xây dựng các chỉ tiêu phát triển công nghiệp, thương mại, xuất khẩu năm 2023 với nhiều giải pháp cụ thể. Đối với phát triển công nghiệp, ngành sẽ tích cực kêu gọi xã hội hóa đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp phù hợp với định hướng của tỉnh, phát triển các cụm công nghiệp dọc theo tuyến quốc lộ, tỉnh lộ có tính kết nối cao. Tăng cường công tác quản lý hoạt động của các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Ưu tiên thu hút, phát triển các nhà máy chế biến sản phẩm từ nông nghiệp, các sản phẩm có lợi thế về vùng nguyên liệu như cây ăn quả, cà phê, hồ tiêu, điều, cao su, bột giấy, ván nhân tạo, đồ gỗ xuất khẩu, hàng lâm sản, thủ công mỹ nghệ. Chú trọng khuyến khích, hỗ trợ phát triển công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp theo quy hoạch phát triển công nghiệp; hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn phát triển sản xuất kinh doanh để nâng cao giá trị, tăng hàm lượng khoa học công nghệ; phát triển mạnh các ngành nghề công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp. Khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh để phát triển điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối, trong đó chú trọng thực hiện tốt chính sách thu hút đầu tư, từng bước đưa Gia Lai trở thành một trong những trung tâm năng lượng quốc gia, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Năm 2022, hoạt động xuất khẩu của tỉnh có nhiều khởi sắc. Ảnh: Đ.T

Năm 2022, hoạt động xuất khẩu của tỉnh có nhiều khởi sắc. Ảnh: Đ.T

Một số chỉ tiêu phấn đấu trong năm 2023: Tổng giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) đạt 31.620 tỷ đồng, tăng 9,45% so với năm 2022, trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng đạt 230 tỷ đồng (tăng 17,9% so với năm 2022), công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 19.483 tỷ đồng (tăng 12,3%); công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt đạt 11.800 tỷ đồng (tăng 5%); cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải đạt 107 tỷ đồng (tăng 6,9%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 108.000 tỷ đồng (tăng 20,48%). Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 680 triệu USD (tăng 3,03%). Tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 110 triệu USD (tăng 10%).

Để phát triển thương mại-dịch vụ, Sở đặt ra nhiều giải pháp như phối hợp triển khai việc thực hiện các quy hoạch phát triển hệ thống chợ và các dự án hạ tầng thương mại trọng điểm của tỉnh; tăng cường gắn kết lưu thông với sản xuất, đẩy mạnh liên kết chuỗi nhằm kết nối cung cầu, đảm bảo ổn định nguyên liệu đầu vào cho sản xuất; tăng cường liên kết trong chuỗi cung ứng hàng hóa của các doanh nghiệp phân phối gắn với quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm; liên kết giữa doanh nghiệp bán lẻ với các nhà sản xuất trong việc tạo nguồn hàng sản xuất trong nước, trong tỉnh với giá cả cạnh tranh, bảo đảm đủ tiêu chuẩn chất lượng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Tiếp tục phát triển đa dạng các loại hình kết cấu hạ tầng thương mại, kết hợp hài hòa giữa thương mại truyền thống với thương mại hiện đại, phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của thị trường trên từng địa bàn.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại và khuyến khích tiêu dùng nội địa, tổ chức kết nối cung cầu giao thương hàng hóa nhằm tạo cầu nối cho doanh nghiệp có cơ hội giao thương, hợp tác tìm kiếm đối tác, bạn hàng, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, mở rộng mạng lưới kinh doanh và phục vụ cho nhu cầu mua sắm của Nhân dân; thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới; tăng cường kết nối, quảng bá, cung cấp thông tin các sản phẩm đặc trưng tiêu biểu, các sản phẩm OCOP vào hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, nâng cao tỷ trọng hàng Việt trong hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại và các cửa hàng tiện ích…

Phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện các biện pháp để thúc đẩy sản xuất, tạo nguồn hàng cho xuất khẩu như tổ chức sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng bảo đảm gắn với chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu; tập trung phát triển ngành nông nghiệp với các sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường, có năng suất, giá trị lớn và khả năng xuất khẩu. Nâng cao chất lượng hàng hóa xuất khẩu thông qua việc xây dựng thương hiệu hàng hóa gắn với chỉ dẫn địa lý của tỉnh. Nâng cao hiệu quả công tác thông tin về các thị trường xuất khẩu trọng điểm, chú trọng các quốc gia tham gia Hiệp định CPTPP, EVFTA…

Trong năm 2023, Sở Công thương sẽ tập trung triển khai nhiều giải pháp chuyển đổi số trong ngành, tập trung vào các giải pháp thực hiện chính quyền số, kinh tế số, thúc đẩy phát triển xã hội số; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa, minh bạch, công khai, nâng cao chất lượng phục vụ hành chính công. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thúc đẩy chuyển đổi số trong cộng đồng doanh nghiệp; hỗ trợ tập huấn, đào tạo nhân lực, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin và an toàn thông tin cho doanh nghiệp.

Có thể bạn quan tâm