Báo xuân

Bảo tồn giống cây lâm nghiệp quý hiếm

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Ông Võ Anh Sơn (làng Nẻh, xã Ia Din, huyện Đức Cơ) bên vườn gáo vàng của gia đình. Ảnh: N.D

Ông Võ Anh Sơn (làng Nẻh, xã Ia Din, huyện Đức Cơ)
bên vườn gáo vàng của gia đình. Ảnh: N.D

Của “để dành”

Ông Võ Anh Sơn (làng Nẻh, xã Ia Din, huyện Đức Cơ) cho hay: Trong một lần đến thị xã An Khê thăm người thân, ông thấy người dân ở đây trồng cây gáo vàng phát triển rất tốt, nhiều vườn cây đẹp, có hộ đã cắt bán với giá rất cao. Sau khi học tập kỹ thuật trồng, chăm sóc, năm 2020, ông mua giống về trồng trên diện tích 2 ha. Đến nay, cây gáo vàng phát triển khá tốt. “Vốn đầu tư cho vườn gáo khoảng 5 triệu đồng/ha gồm tiền giống, mỗi năm bón phân, làm cỏ 2 đợt. Mức đầu tư này thấp hơn so với các loại cây trồng khác. Tôi xác định đây là tài sản để dành cho con cháu mai sau, vì nếu chăm sóc tốt thì khoảng 7-10 năm có thể khai thác gỗ bán ra thị trường”-ông Sơn bộc bạch.

Còn ông Siu Blí (làng A Chông, xã Ayun, huyện Chư Sê) thì chia sẻ: Năm 2019, qua tìm hiểu trên mạng internet, ông quyết định trồng 3.000 cây gáo vàng. Lúc đó, dân làng cho rằng trồng cây lâm nghiệp hiệu quả kinh tế không bằng cây mì, bắp. Bỏ qua tất cả, ông vẫn tập trung đầu tư cho vườn cây với mục đích để bà con trong làng nhìn thấy và trồng theo, từ đó chung tay bảo vệ môi trường sinh thái, xa hơn là có thêm nguồn thu nhập cao hơn so với trồng keo lai. Đến nay, vườn cây gáo vàng phát triển tốt. Vì vậy, trong 2 năm trở lại đây, ông tiếp tục trồng thêm 1.000 cây. Ngoài ra, ông trồng 1.000 cây huỳnh đàn dọc bờ rào bao bọc toàn bộ diện tích gáo vàng. Ông Blí phân tích: “Trồng keo lai khoảng 5-6 năm thì khai thác. Nhưng trồng cây gáo vàng, huỳnh đàn và nhiều loại cây quý hiếm khác thì phải 10 năm hoặc hơn mới được khai thác. Song bù lại, giá trị kinh tế sẽ cao hơn nhiều. Đây là tài sản để dành cho con cháu sau này. Trước mắt, cây gáo vàng, cây huỳnh đàn đã mang lại màu xanh cho rừng”.

Anh Tuyết (làng Mơr, xã Đak Tơ Ve, huyện Chư Păh) giới thiệu về vườn gỗ trắc của gia đình. Ảnh: N.D

Anh Tuyết (làng Mơr, xã Đak Tơ Ve, huyện Chư Păh) giới thiệu về vườn gỗ trắc của gia đình. Ảnh: N.D

Theo ông Trần Hồng Sơn-Giám đốc Trung tâm Lâm nghiệp nhiệt đới (Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên): Đặc thù vùng đất Gia Lai có nhiều cây bản địa đặc trưng như: hương, trắc, cà te, dổi, xoay, bình đường. Một số loài như dổi nhum, xoay (huyện Kbang) đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng đề tài khoa học để nhân giống, bảo tồn gen. Gia Lai cũng quan tâm thực hiện đề tài về cây dổi để cung cấp giống cho người dân trong những năm tới. Hiện nay, cây trắc đang được bảo tồn tại nhiều vùng của tỉnh Gia Lai và các tỉnh Tây Nguyên. Đặc biệt, hưởng ứng Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh do Thủ tướng Chính phủ phát động trong giai đoạn 2021-2025, nhu cầu tiêu thụ các cây giống bản địa quý hiếm để trồng rừng, cây phân tán và trong vườn nhà tại Gia Lai tăng mạnh. Mỗi năm, Trung tâm cung cấp 200-300 ngàn cây giống bản địa cho người dân và các đơn vị trên địa bàn tỉnh. Thuận lợi trong giai đoạn hiện nay là các cơ quan nhà nước cũng như người dân đều rất quan tâm bảo tồn cây lâm nghiệp quý hiếm. Vì vậy, khi có đề xuất thì các cấp, ngành của tỉnh và Trung ương đều ủng hộ. Những hộ có điều kiện trồng cây gây rừng thì phải vài chục năm sau mới thấy được hiệu quả kinh tế cao.

Bảo tồn những giống cây quý

Không chỉ trồng mới những loài cây lâm nghiệp bản địa đặc trưng quý, hiếm, gần đây, nhiều hộ dân tại các xã Hà Tây, Đak Tơ Ve, Ia Khươl, Ia Nhin (huyện Chư Păh), Lơ Pang (huyện Mang Yang), Sơ Pai (huyện Kbang) rất tích cực bảo vệ những quần thể gỗ trắc, huỳnh đàn, dổi… mọc tự nhiên trong vườn rẫy. Ông Trà (làng Mor, xã Đak Tơ Ve) cho biết: “Những cây gỗ trắc trong vườn nhà tôi đều mọc tự nhiên, có tuổi đời 20-25 năm, đường kính 20-30 cm. Cây đã lớn nên tôi có thể trồng xen các loại cây ngắn ngày như mì, bắp… Hiện vườn nhà tôi có 130 cây gỗ trắc. Trước đây, nhiều người tìm đến hỏi mua nhưng tôi quyết không bán mà chăm sóc thật tốt để bảo tồn gen loài gỗ quý hiếm cho con cháu sau này”.

Người dân tham quan vườn gáo vàng của ông Võ Anh Sơn. Ảnh: N.D

Người dân tham quan vườn gáo vàng của ông Võ Anh Sơn. Ảnh: N.D

Còn anh Tuyết (cùng làng) thì cho hay: Nhà ông có 2 ha bời lời. Trên diện tích này có hơn 200 cây gỗ trắc tự nhiên tuổi đời 20-25 năm, đường kính 25 cm. Sau khi chia đất cho mấy anh em, số cây trắc vẫn giữ nguyên. Hàng tuần, các thành viên trong gia đình thường xuyên kiểm tra để bảo vệ số cây trong vườn một cách tốt nhất. “Hầu như vườn nhà nào trong làng cũng có cây gỗ trắc sống. Bà con quyết giữ gìn để bảo tồn chứ không bán dù nhiều người đã tìm đến hỏi mua với giá rất cao”-anh Tuyết nói.

Ông Nguyễn Văn Hoan-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Hưởng ứng Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh cũng như thực hiện công tác trồng rừng trên đất lâm nghiệp, những năm gần đây, nhiều hộ dân mua giống cây lâm nghiệp quý về trồng với mục tiêu vừa bảo tồn, vừa phục vụ phát triển kinh tế gia đình. Sắp tới, Chi cục Kiểm lâm tỉnh sẽ triển khai Dự án “Điều tra, bảo tồn một số loài động-thực vật rừng nguy cấp, quý hiếm, loài ưu tiên bảo vệ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025, trong đó có các loài cây quý như: giáng hương, xoay, sưa, trắc, đỉnh tùng… Qua đó, Sở sẽ đề xuất giải pháp quản lý bền vững một số loài thực vật thân gỗ nguy cấp, quý hiếm. Mục tiêu của dự án là đánh giá hiện trạng các loài thực vật và xác định thành phần loài thực vật nguy cấp, quý hiếm phân bổ trên địa bàn tỉnh phục vụ công tác bảo tồn, phát triển bền vững giá trị tài nguyên rừng.

Có thể bạn quan tâm