Báo xuân

Ý nghĩa chiến lược của Cuộc tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Đòn tiến công Mậu Thân 1968 đã gây kinh hoàng cho cả nước Mỹ, làm rúng động cả dư luận thế giới, tạo ra và lan tỏa phong trào cả thế giới chống quân xâm lược Mỹ, ủng hộ cuộc chiến tranh chính nghĩa của Nhân dân Việt Nam.

Đêm 30 rạng ngày 31-1-1968, đêm Giao thừa Tết Mậu Thân, quân dân miền Nam đồng loạt tổng tiến công đánh vào 4 thành phố lớn, 37 thị xã, hàng trăm thị trấn, 4 bộ tư lệnh quân đoàn và hầu hết các bộ tư lệnh sư đoàn, 30 sân bay và 100 cơ sở hậu cần-kỹ thuật của Mỹ-ngụy.

Ở Gia Lai, lúc 0 giờ 55 phút ngày 31-01-1968 (tức ngày mùng Một Tết), tại thị xã Pleiku, các đơn vị lực lượng vũ trang và bán vũ trang, các đội công tác từ các Khu (huyện) quanh thị xã đã phối hợp nổ súng tấn công bằng phi pháo và bộ binh vào các mục tiêu đã dự định, như: Cơ quan Quân đoàn II (ngụy), sân bay AREA, sân bay Cù Hanh, Tỉnh đoàn bảo an, Bộ Chỉ huy Tiểu khu Pleiku, Ty Cảnh sát, Tòa Hành chính, Hội quán Phượng Hoàng... Tiêu diệt hàng trăm tên địch, phá hủy và làm hỏng nhiều máy bay chiến đấu và xe tăng, xe bọc thép của địch... Cuộc tấn công, tập kích bất ngờ đã làm cho địch rối loạn, hoảng sợ, nhiều toán địch tháo chạy thoát thân. Trong suốt các ngày từ mùng Một đến mùng Ba Tết, các cứ điểm của địch quanh thị xã Pleiku liên tục bị quân ta pháo kích, tập kích, chống lại phản kích của địch. Vận động hàng ngàn quần chúng nhân dân các vùng lân cận đứng lên biểu tình, mang theo băng rôn, khẩu hiệu biểu lộ tinh thần đoàn kết chống quân xâm lược Mỹ và chính quyền Sài Gòn, ủng hộ cách mạng, kêu gọi binh lính địa phương bất bạo động.

Từ đêm 30 Tết Mậu Thân, cùng với quân dân thị xã Pleiku, các khu (huyện) An Khê, Kông Chro, Cheo Reo, Phú Thiện, Phú Bổn, Phú Túc, Phú Nhơn... các lực lượng vũ trang và bán vũ trang địa phương và hàng ngàn quần chúng nhân dân cũng đồng loạt tấn công và nổi dậy, tiêu diệt các đồn bốt trong khu vực, phối hợp với đấu tranh chính trị, chia cắt, phân tán địch để đối phó chúng tập hợp lực lượng phản kích lại ta. Bí bách trước tình hình bị bao vây cô lập, nhiều trung đội, tiểu đội địa phương quân địch đã hạ súng đầu hàng, hoặc bất bạo động, hoặc tháo chạy, mất tinh thần chiến đấu, tan rã... Quận trưởng Phú Nhơn (nay là huyện Chư Pưh) đã tức tốc gọi điện cho “thượng cấp”-Tỉnh trưởng Pleiku xin chi viện, giải vây trong lúc tại thị xã tỉnh lỵ này cũng đang “rối như tơ vò”, còn sức đâu mà chi viện cho hạ cấp.

Trước đó, khi nhận được chủ trương mở đợt tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, Tỉnh ủy Gia Lai đã tổ chức học tập, quán triệt, nâng cao nhận thức về tư tưởng, quyết tâm chính trị và đề ra nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị lực lượng vũ trang và các cấp ủy địa phương, phân công các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy phụ trách từng địa bàn. Đồng thời, tổ chức vận động hàng vạn quần chúng nhân dân vùng giải phóng tham gia dân công hỏa tuyến, ủng hộ hàng trăm tấn lương thực, thực phẩm, đảm bảo hậu cần, y tế... tạo không khí phấn khởi, tin tưởng, ủng hộ cả về sức người, sức của cho cách mạng, góp phần dành thắng lợi cho cuộc tổng tấn công. Trong vùng địch tạm chiếm, các đội công tác vũ trang, bán vũ trang vận động các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là cơ sở của ta chuẩn bị các điều kiện về vật chất ủng hộ bộ đội, cán bộ, chiến sĩ khi vào vùng nội thị và vùng địch tạm chiếm. Đã có nhiều gia đình nấu bánh chưng, bánh tét ủy lạo cho cán bộ, chiến sĩ; che chở, cứu chữa thương binh...

Kết thúc Cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân, mặc dù ta tổn thất không nhỏ (350 cán bộ, chiến sĩ tỉnh Gia Lai hy sinh; 1.949 người bị địch bắt, 177 người bị thương và mất tích, sự tổn thất đó là do cuộc tấn công không cân sức giữa lực lượng ta và địch. Mặt khác, do điều kiện giao thông liên lạc khó khăn, cho nên sự hợp đồng tác chiến giữa các lực lượng, các cánh quân của ta chưa bảo đảm. Quần chúng tham gia nổi dậy, biểu tình bị địch đàn áp, gây nhiều tổn thất...) nhưng cuộc tấn công và nổi dậy bất ngờ đối với kẻ thù dù đó là ngay tại sào huyệt, hang ổ của chúng. Kết quả đã có 3.500 tên địch bỏ mạng, trong đó có 1.300 tên Mỹ; 580 xe quân sự, 35 khẩu pháo bị ta phá hủy, đốt cháy hàng triệu lít xăng dầu... Cùng với đó, ta đã vận động 247 binh lính địch đào bỏ ngũ, giải phóng cho hơn 18.000 dân trong các ấp chiến lược, trại tập trung, khu dồn dân của chính quyền ngụy.

Những con số nêu trên, dù ta có tổn thất về lực lượng không nhỏ nhưng thắng lợi chúng ta giành được là to lớn, tỉnh ta đã góp phần quan trọng cùng cả chiến trường miền Nam tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh, tạo bước ngoặt lịch sử, quyết định của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, làm đảo lộn chiến lược chiến tranh của Mỹ tại miền Nam. Ngày 30-3-1968, tướng Westmoreland đến Sài Gòn để phổ biến chủ trương của chính phủ Mỹ là bãi bỏ chiến lược “tìm diệt và bình định”-một chiến lược mà họ kỳ vọng vào nó có thể đẩy lùi quân chủ lực của ta; thay thế bằng chiến lược “quét và giữ” hòng giữ các vị trí chiến lược quan trọng nhằm đảm bảo cho quân Mỹ không bị thiệt hại nặng; quân ngụy không bị tan rã, sụp đổ để rồi sẽ thay dần quân Mỹ trên toàn chiến trường và giữ vai trò chính trong cuộc chiến. Và chỉ sau một ngày, ngày 31-3-1968, Tổng thống Mỹ Johnson thông báo hạn chế hoạt động của Mỹ ở Việt Nam; ra lệnh ngừng ném bom, bắn phá miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra; cử người đại diện đàm phán với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở Paris (Pháp) bắt đầu từ ngày 13-3-1968. Bản “thông báo” nói trên của Tổng thống Mỹ chính là sự thừa nhận của người Mỹ về sự thất bại của họ trong chiến lược “chiến tranh cục bộ” ở miền Nam và “chiến tranh phá hoại” ở miền Bắc.

Nhìn toàn cục trên cả chiến trường miền Nam, thắng lợi của Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 của quân và dân miền Nam có ý nghĩa lịch sử to lớn, là một đòn giáng mạnh vào chiến lược “chiến tranh cục bộ” của Mỹ, buộc Mỹ phải thay đổi chiến lược “chiến tranh cục bộ” bằng chiến lược “phi Mỹ hóa chiến tranh” rồi “Việt Nam hóa chiến tranh”. Tổng thống Mỹ Johnson tưởng rằng, với chiến lược “chiến tranh cục bộ”, ồ ạt đưa hơn 50 vạn quân viễn chinh Mỹ và chư hầu vào trực tiếp chiến đấu với Quân giải phóng miền Nam, Mỹ có thể cứu vãn chế độ ngụy quyền Sài Gòn đang trên đà sụp đổ, làm thay đổi cục diện chiến trường sau thất bại của chiến lược “chiến tranh đặc biệt”. Thế nhưng, toàn bộ những cố gắng của “Nhà Trắng” trong chiến lược “chiến tranh cục bộ” đã bị phá sản do quân và dân miền Nam anh dũng chiến đấu, mà đỉnh cao là Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Thắng lợi to lớn của quân và dân miền Nam Tết Mậu Thân 1968 là tiền đề cho cuộc tổng tấn công và nổi dậy của quân và dân ta trong mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Bắc-Nam sum họp một nhà!

Có thể bạn quan tâm