Kinh tế-xã hội chuyển biến tích cực
Kết thúc năm 2022, huyện Ia Grai đã đạt 24/25 chỉ tiêu về phát triển kinh tế-xã hội theo nghị quyết HĐND huyện giao. Theo đó, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn ước đạt 12.849 tỷ đồng, đạt 101,52% kế hoạch, tăng 12,42% so với năm 2021. Trong đó, ngành nông-lâm nghiệp-thủy sản đạt 4.678 tỷ đồng, tăng 6,9%; công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp-xây dựng đạt 4.496 tỷ đồng, tăng 15,06%; dịch vụ đạt 3.675 tỷ đồng, tăng 16,82%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 46,35 triệu đồng, tăng 6,5% so với năm trước.
Ngành nông nghiệp được huyện xác định là lĩnh vực kinh tế chủ yếu nên đã tập trung khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế để đẩy mạnh sản xuất. Theo đó, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương, cơ quan chuyên môn quản lý, điều tiết nguồn nước tưới hợp lý, tiết kiệm, đảm bảo nước tưới cho các loại cây trồng. Trong năm, toàn huyện gieo trồng được 50.821 ha cây trồng các loại, đạt 102% kế hoạch và tăng 2,2% so với năm trước; tổng sản lượng lương thực đạt 24.292,5 tấn, đạt 104% kế hoạch, tăng 8,2% so với năm trước. Tổng đàn trâu gần 500 con, đàn bò hơn 14.700 con, đàn heo 46.000 con, đàn gia cầm 250.000 con, đàn dê hơn 1.500 con và 53 nhà yến. Công tác phòng-chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được triển khai tích cực, hạn chế thấp nhất dịch bệnh xảy ra. Công tác thu ngân sách có bước đột phá, phần huyện thu đạt 137,1 tỷ đồng, đạt 205% kế hoạch tỉnh giao và bằng 107% kế hoạch HĐND huyện giao.
Trung tâm huyện Ia Grai nhìn từ trên cao. Ảnh: Phương Loan |
Bên cạnh đó, huyện tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Trong đó, huyện đã linh hoạt lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án để ưu tiên đầu tư thực hiện nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới như: đường giao thông, trường học, nhà văn hóa thôn làng, công trình thủy lợi và các mô hình phát triển sản xuất... Đến nay, bình quân đạt 16,83 tiêu chí/xã. Ngoài ra, Chương trình OCOP tiếp tục được triển khai. Ngoài 14 sản phẩm đạt 3-4 sao OCOP cấp tỉnh.
Lĩnh vực văn hóa-xã hội của huyện cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Điểm nổi bật là huyện đã tổ chức thành công Lễ hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô lần thứ III và Liên hoan văn hóa cồng chiêng năm 2022, gắn với đó là trưng bày các sản phẩm đặc trưng của huyện, thu hút trên 30 ngàn lượt du khách đến tham dự. Công tác tuyên truyền và tổ chức các ngày lễ lớn được chú trọng; phong trào thể dục thể thao phát triển rộng khắp và đạt thành tích cao. Hoạt động dạy và học được đảm bảo theo kế hoạch; sĩ số học sinh duy trì ở mức 99,1-100%. Đến nay, toàn huyện hiện có 30/48 đơn vị trường học đạt chuẩn quốc gia, chiếm 62,5%. Các chương trình y tế quốc gia được triển khai tích cực, đã khám và điều trị cho 34.651 lượt người. Ngoài ra, triển khai tiêm chủng vắc xin phòng-chống Covid-19 với 100.412 người được tiêm mũi 1, 95.052 người tiêm mũi 2, 71.373 người tiêm mũi 3 và 28.809 người tiêm mũi 4; tiêm phòng bạch hầu mũi 1 đạt tỷ lệ 95,6%, mũi 2 đạt 88,32%... Với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện đã triển khai thực hiện các chính sách, dự án hỗ trợ hộ nghèo một cách đồng bộ và mang lại hiệu quả cao, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội, ổn định tình hình an ninh chính trị. Toàn huyện hiện còn 2.389 hộ nghèo, chiếm 8,78%. Việc hỗ trợ quà Tết, cấp gạo cứu đói và cấp các mặt hàng chính sách được thực hiện kịp thời, đúng đối tượng, không để hộ dân nào thiếu đói trong dịp Tết; công tác thăm hỏi, động viên các đối tượng chính sách, gia đình có công trong dịp Tết Nguyên đán thực hiện đầy đủ.
Song song với việc đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, UBND huyện đã chỉ đạo ngành chức năng và chính quyền các xã, thị trấn làm tốt công tác nắm tình hình trên các lĩnh vực. Những vụ việc phát sinh tại cơ sở được phát hiện, chỉ đạo giải quyết kịp thời, cơ bản kiềm chế được các yếu tố địch lợi dụng để tiến hành các hoạt động chống phá. Nhờ đó, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đồng thời, tiếp tục xây dựng, vun đắp mối quan hệ tốt đẹp với chính quyền và các lực lượng vũ trang huyện Đun Mia (tỉnh Ratanakiri, Vương quốc Campuchia) để nắm tình hình, xử lý kịp thời các diễn biến, tình huống nhạy cảm phát sinh; bảo vệ tốt cột mốc, đường biên giới, góp phần giữ vững ổn định an ninh biên giới.
Tiềm năng phát triển du lịch
Ia Grai là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Cụ thể, huyện có các thắng cảnh như: thác Mơ, suối Ia Blố, cánh đồng cỏ tím (xã Ia Khai); thác Chín Tầng (xã Ia Bă); thác Lệ Kim (xã Ia Tô); điểm du lịch lòng hồ thủy điện Sê San, làng chài hồ thủy điện Sê San 4 (xã Ia O). Ngoài ra, huyện còn có các điểm du lịch văn hóa, di tích lịch sử cấp tỉnh là Di tích Bến đò A Sanh (xã Ia Khai) và Di tích Chiến thắng Chư Nghé (xã Ia Krai). Hiện huyện đang chuẩn bị hồ sơ để đề nghị cấp trên xem xét đưa vào danh mục kiểm kê di tích đối với Điểm di tích máy bay Mỹ bị thiếu niên Puih Glớ và du kích xã Ia Hrung bắn rơi.
Thác Mơ là một trong những thắng cảnh của huyện Ia Grai. Ảnh: Kim Liên |
Không chỉ vậy, Ia Grai còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo, đặc biệt là không gian văn hóa cồng chiêng. Toàn huyện có 131 làng đồng bào dân tộc thiểu số. Các thôn, làng có phong tục tập quán và nét văn hóa đặc sắc riêng của người dân tộc Jrai, có thể thu hút khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm. Để góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, UBND huyện thường xuyên chỉ đạo làm tốt công tác kiểm kê cồng chiêng, kiểm kê thuyền độc mộc; tuyên truyền người dân gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc mình; vận động các nghệ nhân truyền dạy lại cho các thế hệ trẻ. Hiện nay, trên địa bàn huyện còn lưu giữ khoảng 748 bộ cồng chiêng quý (nhiều nhất tỉnh); có hơn 20 chiếc thuyền độc mộc tại xã Ia O và Ia Khai. Ngoài ra, huyện còn có 76 đội văn nghệ truyền thống ở các làng dân tộc thiểu số, có các nghệ nhân tạc tượng, nghệ nhân đẽo thuyền, nghệ nhân chỉnh chiêng và dạy múa xoang. Hàng năm, huyện tổ chức các lễ hội độc đáo của người dân tộc thiểu số như: lễ cúng rừng, cúng giọt nước, lễ cầu mưa, lễ bỏ mả, đánh cồng chiêng và múa xoang. Đặc biệt, lễ hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô được tổ chức nhằm bảo tồn nét đẹp văn hóa độc đáo của cư dân sống lâu đời trên địa bàn huyện.
Bên cạnh đó, du lịch nông thôn cũng đang phát triển mạnh và hình thành được các trang trại nông nghiệp như: vườn dâu tại xã Ia Yok và thị trấn Ia Kha cùng một số nông trang khác. Những nông trại này vừa phát triển sản phẩm nông nghiệp để kinh doanh, vừa cải tạo thành các điểm du lịch hấp dẫn du khách tới tham quan trải nghiệm. Đến Ia Grai, du khách có thể thưởng thức các món ăn đặc sản của người dân tộc thiểu số như cơm lam, gà nướng, đặc sản măng rừng, cá trên sông Sê San, hay tham quan các vườn cây sầu riêng, bơ, chôm chôm, chanh dây… Đặc biệt, thương hiệu “Chôm chôm Ia Grai” đã được đăng ký sở hữu trí tuệ.
Huyện Ia Grai rất ưu tiên thu hút các nhà đầu tư phát triển trên các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, du lịch và nông nghiệp, đặc biệt là các dự án đầu tư về nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, các dự án đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa độc đáo của các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Đồng thời, UBND huyện quan tâm tạo quỹ đất sạch dành cho các dự án đầu tư trên địa bàn. Phấn đấu hoàn thành xây dựng cụm công nghiệp tại xã Ia Dêr và tạo liên kết với các khu, cụm công nghiệp của tỉnh. Hiện tại, huyện đang triển khai điều chỉnh quy hoạch phân khu Bờ Đông sông Pô Cô để thu hút các dự án du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, kết hợp tham quan trải nghiệm. Sau khi hoàn thành quy hoạch sẽ có tiềm năng rất lớn để thu hút đầu tư của huyện nói riêng và của tỉnh nói chung.
LÊ NGỌC QUÝ
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện