Chào xuân mới 2023

Báo xuân

Khẳng định vị thế hạt gạo chất lượng cao vùng Đông Nam tỉnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bằng việc xây dựng thương hiệu, liên kết tìm đầu ra ổn định, sản phẩm gạo chất lượng cao ở các huyện, thị xã phía Đông Nam tỉnh đang từng bước khẳng định vị thế trên thị trường.

Xây dựng thương hiệu gạo

Năm 2002, công trình thủy lợi Ayun Hạ hoàn thành đã cung cấp nguồn nước tưới dồi dào cho trên 13.500 ha đất nông nghiệp, góp phần đưa huyện Phú Thiện trở thành vựa lúa lớn nhất Tây Nguyên với diện tích khoảng 6.608,6 ha. Hàng năm, huyện triển khai cánh đồng lúa lớn một giống với tổng diện tích hơn 1.200 ha, diện tích lúa đạt chứng nhận VietGAP khoảng 100 ha với năng suất bình quân 8,5 tấn/ha, cao hơn 1,5 tấn so với các cánh đồng sản xuất truyền thống. Năm 2019, huyện xây dựng thành công nhãn hiệu Gạo Phú Thiện với các giống lúa chất lượng cao như: LH12, OM4900 và TBR225. Sản phẩm Gạo Phú Thiện của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Chư A Thai (xã Ia Ake) đã được đóng bao bì, dán tem truy xuất nguồn gốc, đưa lên sàn thương mại điện tử, mở rộng thị trường tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Đại diện Doanh nghiệp tư nhân Tám Biển (bìa phải, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) cam kết thu mua lúa ST24 cho nông dân Phú Thiện. Ảnh: Vũ Chi

Ông Phạm Ngọc Nghĩa-Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp Chư A Thai-cho biết: “Việc xây dựng thành công nhãn hiệu Gạo Phú Thiện đã tạo điều kiện thuận lợi cho sản phẩm gạo của địa phương tiếp cận người tiêu dùng trong cả nước. Dựa vào tem truy xuất nguồn gốc trên bao bì, người tiêu dùng dễ dàng kiểm chứng nguồn gốc, chất lượng, thương hiệu của sản phẩm. Hiện HTX liên kết người dân triển khai cánh đồng lúa lớn một giống có tổng diện tích trên 100 ha để cung ứng cho thị trường. Doanh thu của HTX đạt trên 2 tỷ đồng/năm”.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, song vừa qua, HTX Nông nghiệp Đại Đồng (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa) cũng đã nỗ lực tham gia Chương trình OCOP với sản phẩm gạo Ia Pa TBR97. Hiện sản phẩm đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh. Ông Hà Quang Hiển-Giám đốc HTX-cho biết: Hiện HTX có 21 thành viên với diện tích canh tác gần 100 ha. Năm 2019, nhận thấy giống lúa TBR97 của Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, cho năng suất, chất lượng gạo cao, HTX đã cung ứng giống cho thành viên triển khai cánh đồng lúa một giống trên diện tích hơn 50 ha. “Sản phẩm gạo của HTX hiện mới chỉ cung cấp cho thị trường trong tỉnh. Mục tiêu của HTX là sau khi được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, thông qua việc tham gia các phiên chợ nông sản, chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh, trưng bày tại gian hàng OCOP tại các siêu thị, sản phẩm gạo TBR97 sẽ được nhiều người tiêu dùng biết đến, từ đó mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nông dân”-ông Hiển thông tin.

Tại thị xã Ayun Pa, anh Nguyễn Thái Nguyên (phường Hòa Bình) xây dựng nhà máy xay xát, mỗi vụ thu mua khoảng 100 tấn lúa Đài Thơm 8, OM18, TH6 của bà con nông dân để chế biến, cung ứng gạo cho thị trường trong tỉnh cũng như các bạn hàng ở Kon Tum, Bình Phước, Đà Lạt... Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, năm 2022, anh đăng ký sản phẩm gạo Phú Bổn của mình tham gia Chương trình OCOP. Anh Nguyên hy vọng với việc đạt chứng nhận OCOP, sản phẩm gạo Phú Bổn sẽ tạo được chỗ đứng trên thị trường, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Liên kết phát triển bền vững

Mặc dù tích cực đưa các giống lúa chất lượng cao vào sản xuất, tuy nhiên, thị trường tiêu thụ vẫn là bài toán nan giải với người trồng lúa khu vực Đông Nam tỉnh. Vì vậy, việc liên kết 4 nhà (nhà nông-nhà nước-nhà khoa học-nhà doanh nghiệp) là rất cần thiết để phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững cũng như nâng cao vị thế hạt gạo chất lượng cao trên thị trường. Theo đó, từ năm 2021 đến nay, UBND huyện Phú Thiện đã cùng Tập đoàn Lộc Trời liên kết sản xuất gần 50 ha lúa Đài Thơm 8 gắn với bao tiêu sản phẩm cho người dân. Các hộ tham gia mô hình được Tập đoàn ứng trước 100% chi phí giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và khấu trừ không tính lãi sau khi thu hoạch. Tập đoàn cử 2 nhân viên kỹ thuật bám đồng, tư vấn cho bà con quy trình canh tác hợp lý. Trước khi thu hoạch 10 ngày, Tập đoàn phối hợp với HTX, hộ dân kiểm tra, đánh giá và thỏa thuận mua lúa theo giá thị trường, thu mua lúa tươi tại ruộng ngay khi thu hoạch.

Cánh đồng lúa Phú Thiện nhìn từ trên cao. Ảnh: Minh Châu

Thêm một bước tiến mới, vụ mùa 2022, Hội Nông dân huyện Phú Thiện triển khai mô hình sản xuất lúa ST24 theo hướng hữu cơ trên diện tích 27 ha với 23 hộ tại tổ dân phố 10 (thị trấn Phú Thiện) tham gia. Tổng kinh phí triển khai mô hình hơn 858,9 triệu đồng, trong đó, vốn sự nghiệp khoa học công nghệ 385 triệu đồng, phần còn lại do người dân đối ứng. Mô hình sử dụng 100% phân hữu cơ, sử dụng máy bay không người lái thử nghiệm trong các khâu gieo sạ và bơm thuốc. Sau hơn 3 tháng triển khai, mô hình cho năng suất bình quân 7,5 tấn lúa/ha. Tại hội thảo đầu bờ đánh giá mô hình, Doanh nghiệp tư nhân Tám Biển (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) đã cam kết thu mua toàn bộ sản lượng lúa của các hộ với giá 7.500 đồng/kg. Với mức giá này, sau khi trừ chi phí đầu tư, bà con lãi trên 27 triệu đồng/ha, cao hơn 1-2 triệu đồng/ha so với phương pháp sản xuất truyền thống. Đặc biệt, nếu mô hình này được nhân rộng, doanh nghiệp cam kết thu mua cho người dân huyện Phú Thiện và các huyện, thị xã lân cận khoảng 1.000 tấn lúa/vụ với giá cả thỏa thuận từ đầu vụ.

Ông Bùi Xuân Khấn-Chủ nhiệm mô hình-chia sẻ: Khi Hội Nông dân huyện triển khai mô hình liên kết sản xuất, ông đã mạnh dạn tham gia với diện tích 5 ha. “Được doanh nghiệp thu mua tại ruộng với giá hợp lý, bản thân tôi cũng như các hộ tham gia mô hình rất phấn khởi. Đây là động lực để bà con nhân rộng mô hình trong vụ tiếp theo”-ông Khấn phấn khởi nói.

Tương tự, nhằm tạo liên kết, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, Hội Nông dân thị xã Ayun Pa cùng HTX Nông nghiệp Phú Lợi (phường Hòa Bình) và HTX Nông nghiệp Minh Hòa (phường Sông Bờ) đã ký kết hợp tác với Công ty TNHH Công nghệ sinh học Việt Mỹ sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Mô hình dự kiến triển khai vào vụ Đông Xuân 2022-2023 trên diện tích 20 ha, sử dụng giống lúa ST24. Khi tham gia mô hình, các hộ dân được Công ty hỗ trợ 100% giống, phân bón hữu cơ, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Đây được coi là bước tiến mới, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp của địa phương.

Theo ông Đào Nhật Nam-Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Ayun Pa, chuỗi sản xuất lúa gạo được hình thành không chỉ giúp doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu ổn định về số lượng và chất lượng mà còn tháo gỡ khó khăn cho người nông dân trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Thực tế cho thấy, lúa gạo sản xuất theo chuỗi liên kết đạt giá trị kinh tế cao hơn 10-20% so với sản xuất thông thường. Về mặt kỹ thuật, việc liên kết giúp người nông dân nâng cao trình độ sản xuất, bảo vệ môi trường sinh thái, sức khỏe người sản xuất cũng như người tiêu dùng. Người nông dân được thu mua lúa tươi tại ruộng, giảm công đoạn vận chuyển và phơi sấy, từ đó yên tâm đầu tư mở rộng sản xuất.

Khẳng định vai trò của việc xây dựng thương hiệu cũng như liên kết trong sản xuất lúa gạo tại địa phương, ông Nguyễn Anh Tuấn-Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện-cho hay: Những năm qua, chính quyền địa phương luôn quan tâm đầu tư, bố trí kinh phí triển khai mô hình, dự án cũng như thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Dự án Nhà máy gạo của Công ty TNHH Kinh doanh và chế biến Tây Nguyên tại Cụm Công nghiệp-Tiểu thủ công nghiệp đang triển khai tại xã Ia Ake sẽ đóng góp tích cực vào khâu tiêu thụ, chế biến lúa gạo của huyện. Thành công từ mô hình liên kết lúa gạo với Tập đoàn Lộc Trời cũng như mô hình sản xuất lúa ST24 theo hướng hữu cơ đã khẳng định chất lượng Gạo Phú Thiện trên thị trường; đồng thời, mở ra hướng đi mới trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện theo hướng bền vững, đem lại thu nhập ổn định cho người nông dân, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Có thể bạn quan tâm