Chào xuân mới 2023

Báo xuân

“Mùa xuân” di sản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Như những đóa pơ lang rực rỡ trong tiết xuân Tây Nguyên, đội ngũ nghệ nhân ưu tú với tài năng đặc biệt đã góp phần làm nên mùa xuân vĩnh hằng cho di sản văn hóa cồng chiêng.

Tháng 3 Tây Nguyên khởi đầu mùa “ăn năm uống tháng” của các dân tộc bản địa. Thanh âm rộn rã của cồng chiêng trong mùa lễ hội như gọi mời bước chân du xuân trên khắp nẻo đường. Để có tiếng chiêng vang xa khắp “9 suối 10 đồi”, những nghệ nhân chỉnh chiêng thường xuôi ngược khắp các buôn làng để chỉnh sửa những bộ chiêng hư thanh, lạc tiếng.

Gọi mùa xuân về

Khi những hạt lúa chín đã chất đầy trong kho, nghệ nhân Đinh Dôch (làng U Diếp, xã Kông Htok, huyện Chư Sê) có thời gian rảnh rỗi bắt tay vào việc chỉnh tiếng bộ chiêng của làng để chuẩn bị cho lễ pơ thi đang tới gần. Ông đặt úp những chiếc chiêng theo thứ tự từ nhỏ đến lớn trên sàn nhà, cầm chiếc búa nhỏ gõ nhẹ vào bề mặt từng chiếc một. Mỗi lần gõ, ông nghiêng tai lắng nghe cho đến khi tiếng rền vang của chiêng lắng xuống. Chỉ vài thao tác như vậy, ông đã “bắt bệnh” cho chiêng, chiếc nào sai âm ông để sang một bên. Hàng giờ liền, nghệ nhân chăm chú với công việc của mình, chỉ có thanh âm của những tiếng gõ búa xao động buổi sáng mùa xuân yên tĩnh.

Buông chiếc búa nhỏ xuống, ông cầm chiếc dùi bọc vải đánh thử một lượt. Những chiếc chiêng hư đã lành tiếng, âm thanh vang rền. Bước lại bên ghè rượu đã chuẩn bị sẵn, nghệ nhân trịnh trọng giơ cần, thành tâm cảm tạ Yàng. Nghệ nhân Đinh Dôch cho biết: “Không phải lần nào công việc cũng thuận lợi như hôm nay. Nhiều lần mình phải ngủ lại các làng, ngày hôm sau cúng Yàng một ghè rượu sau đó mới tiếp tục chỉnh chiêng. Năm 2017, mình có dịp gặp gỡ nghệ nhân chỉnh chiêng các tỉnh Tây Nguyên tại Gia Lai. Quan sát cách họ làm việc, mình thấy mỗi người có một cách chỉnh âm riêng, không ai giống ai, nhưng chiêng hư tới đâu qua tay họ cũng đều được chỉnh âm rất tài tình. Từ đó, dù gặp chiêng khó chỉnh tới đâu, mình đều quyết tâm sửa cho bằng được”.

Nghệ nhân ưu tú Đinh Dôch. Ảnh: Minh Châu

Đón Tết cổ truyền xong, khi cái nắng bắt đầu vàng sánh như mật ong báo hiệu mùa khô Tây Nguyên cũng là lúc người dân dưới chân dãy Kông Htok tưng bừng trong lễ pơ thi. Lễ hội diễn ra khoảng tháng 2, tháng 3 nhưng từ tháng 12 trở đi, nghệ nhân Đinh Dôch bắt đầu bận rộn. Ông được các làng mời đến để chỉnh những chiếc chiêng hư, những bộ chiêng mới để chuẩn bị cho lễ hội. Chị Rơ Mah Viên-con gái nghệ nhân Đinh Dôch-kể: “Bố mình thường đi “công tác” với 1 chiếc túi thổ cẩm nhỏ và trở về với 1 ghè lúa hoặc con gà. Có khi bố đi 2-3 ngày, nhưng cũng có lần cả tuần mới về. Một số làng ở xã Ayun hay Bờ Ngoong còn mang cả bộ chiêng đến nhà nhờ bố sửa giúp. Bố mình thường không lấy tiền công và hay mời khách ăn cơm, vít rượu cần”.

Chính tài năng đặc biệt mà Yàng chỉ ban cho một số ít người tài hoa trong cộng đồng như nghệ nhân Đinh Dôch đã làm cho tiếng chiêng ngân vang từ ngàn năm vẫn vọng mãi giữa đất trời, kết nối con người với văn hóa cội nguồn, với thần linh, với mùa xuân Tây Nguyên. Anh Đào Tiến Quận-công chức Văn hóa-Xã hội xã Kông Htok-cho biết: “Trước kia, xã Kông Htok có 12 làng (nay sáp nhập còn 6 làng) chủ yếu là người Jrai, Bahnar, nhưng nghệ nhân chỉnh chiêng như ông Đinh Dôch chỉ có 1-2 người. Điều đáng quý là ông Dôch luôn sẵn sàng đồng hành cùng với ngành văn hóa địa phương trong các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị của không gian văn hóa cồng chiêng. Ông vừa được Nhà nước xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú đợt 3-2022. Đây là sự ghi nhận xứng đáng những đóng góp cho văn hóa của nghệ nhân trong thực hành di sản hơn 40 năm qua”.

“Di sản văn hóa sống”

Tài chỉnh chiêng của Nghệ nhân Ưu tú Đinh Dũng (làng Mơ Hra-Đáp, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) cũng đã vượt ra khỏi dãy Kông Lơng Khơng hùng vĩ, vang danh cả vùng đất phía Đông tỉnh. Bà Trần Thị Bích Ngọc-công chức Văn hóa-Xã hội xã Kông Lơng Khơng-cho biết: “Nghệ nhân Đinh Dũng là một trường hợp rất đặc biệt. Ông không chỉ tài năng trong lĩnh vực chỉnh chiêng mà còn am hiểu rất nhiều lĩnh vực, có khả năng trình diễn, sửa chữa hầu hết nhạc cụ dân tộc của người Bahnar. Với tài năng hiếm có, từ năm 2017 đến nay, ông được huyện mời chỉnh chiêng tại các xã Sơn Lang, Kông Pla, Đak Rong, Kông Lơng Khơng và thị trấn Kbang. Ông còn được mời dạy chỉnh chiêng cho một số xã ở huyện Kông Chro, một số xã của tỉnh Bình Định. Năm 2020, nghệ nhân Đinh Dũng được mời chỉnh chiêng phục vụ công tác sưu tầm âm nhạc dân gian của Viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Ông còn góp phần giới thiệu “Sắc màu văn hóa Gia Lai” cùng đoàn nghệ nhân Bahnar tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam năm 2018 và tham gia nhiều sự kiện văn hóa khác của quốc gia và của tỉnh”.

Nghệ nhân Đinh Dũng cho biết: Làng Mơ Hra-Đáp hiện còn lưu giữ gần 30 bộ cồng chiêng và thường chọn những bộ tốt nhất để sử dụng trong các nghi lễ như: đâm trâu, đóng cửa kho, mừng lúa mới, bỏ mả… Từ khi làng làm du lịch cộng đồng với sự hỗ trợ của dự án “Di sản kết nối” do Hội đồng Anh tài trợ, cồng chiêng thường xuyên được trình diễn để phục vụ du khách. Làng có đội chiêng người già, đội chiêng thanh-thiếu niên và đội chiêng nữ. Các bộ chiêng phải luôn được chỉnh âm thanh tốt nhất để đánh bài nhạc chiêng hay nhất, vang xa và hấp dẫn du khách. Ông hy vọng người dân có thể dựa vào di sản trong phát triển kinh tế-xã hội, khi đó văn hóa mới được gìn giữ và phát huy tốt nhất.

Điệu nhảy hùng thiêng. Ảnh: Huyền Tỷ

Bà Ngọc cho hay, cùng với nghệ nhân Đinh Dũng, xã Kông Lơng Khơng còn có 4 nghệ nhân khác được trao danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú đợt 3-2022. Trong đó, 2 nữ nghệ nhân Đinh Thị Lăm, Đinh Thị Hiền là những người có đóng góp rất lớn trong dự án “Bảo tồn và phát triển dệt thổ cẩm Bahnar ở xã Kông Lơng Khơng” do bà Ngọc làm Chủ nhiệm đề tài. Đây cũng là 1 trong 4 dự án của tỉnh được Hội đồng Anh tài trợ trong hợp phần “Di sản văn hóa sống”. Bà Ngọc cho biết: “Các nghệ nhân ở vùng đất di sản Kông Lơng Khơng có vốn tri thức rất phong phú về nhiều lĩnh vực chứ không chỉ lĩnh vực nắm giữ. Họ kế thừa và thực hành di sản văn hóa đạt đến trình độ cao về kỹ thuật và nghệ thuật, làm nên sức hấp dẫn và đa dạng cho văn hóa và trở thành “di sản sống” với những tri thức quý giá phục vụ cho nghiên cứu, sưu tầm. Trong giai đoạn hiện nay, khi di sản được xem là viên ngọc quý để thu hút, phát triển du lịch, nhất là ở vùng nông thôn thì các nghệ nhân chính là những hạt nhân quan trọng. Họ vừa là lực lượng nòng cốt, đi trước nêu gương, đồng thời tiếng nói của họ rất có uy tín trong việc tập hợp, đoàn kết các nghệ nhân khác hay dân làng cùng tham gia. Danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú chính là sự tôn vinh xứng đáng những “báu vật nhân văn sống”, cổ vũ tinh thần để nghệ nhân tiếp tục cống hiến và trao truyền di sản cho các thế hệ”.

…Cồng chiêng trở thành “tiếng nói” đặc biệt của từng làng, đúng như một nhà văn từng viết: “Qua không gian mênh mông, từ ngàn đời nay, đêm đêm các làng Tây Nguyên vẫn “đọc” tiếng chiêng của nhau như vậy, làm nên cuộc trò chuyện vĩnh cửu của con người trên vùng đất mênh mang và mãi mãi còn bí ẩn này”. Phương thức liên lạc cổ truyền đó ngày nay không còn nữa, nhưng âm thanh trầm hùng, ngân vang của cồng chiêng luôn mang âm hưởng thúc giục con người trở về trong mùa đoàn viên. Và trong không gian văn hóa ngàn đời ấy, các thế hệ người tài vẫn không ngừng xuất hiện, để lại cho di sản một mùa xuân vĩnh hằng.

Có thể bạn quan tâm