Chào xuân mới 2023

Báo xuân

Vượt khó, tạo động lực mới để phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

1. Nhân loại vừa khép lại năm Nhâm Dần với những biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, vượt khỏi khả năng của mọi dự báo. Ngoài các sự cố dịch bệnh (Covid-19, đậu mùa khỉ, các bệnh lạ...); thiên tai, lũ lụt, hạn hán kéo dài trên diện rộng ở các nước thì cuộc xung đột vũ trang nổ ra, chưa có dấu hiệu dừng lại ở Ukraine cùng với các lệnh trừng phạt của Mỹ và các nước phương Tây đối với Nga; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, áp đặt hệ giá trị theo kiểu cường quyền… khiến cho chuỗi cung ứng bị gián đoạn, giá dầu thô, lương thực, thực phẩm và nhiều vật tư, nguyên liệu đầu vào tăng mạnh, lạm phát tăng cao đột biến ở hầu hết các quốc gia, trong đó có các đối tác lớn của Việt Nam. Ở trong nước, đại dịch Covid-19 không chỉ cướp đi sinh mạng của hàng chục ngàn người mà còn gây khó khăn cho hệ thống giáo dục, y tế, an sinh xã hội, hệ thống kinh tế quốc dân... Khi tình hình đất nước rất căng thẳng do sự bùng phát đợt dịch Covid-19 thứ tư, Đảng và Nhà nước ta đã kịp thời chuyển hướng chiến lược “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh”.

Và với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế và nhờ tiếp cận được vắc xin… chúng ta đã vừa phòng-chống, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, vừa giải quyết tốt yêu cầu kinh tế-xã hội đặt ra. Có thể chứng minh cho nhận định này qua việc: Các ngành, các lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế đều phục hồi, có bước phát triển mạnh; khu vực du lịch, dịch vụ phát triển sôi động trở lại, nhất là từ sau khi kiểm soát được dịch bệnh; phát triển doanh nghiệp có nhiều khởi sắc; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống người dân được cải thiện, triển khai thực hiện kịp thời các chính sách xã hội, nhất là chính sách đối với người có công với cách mạng, chính sách bảo trợ xã hội và các chính sách, biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, người dân bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch Covid-19… Đến nay, mặc dù trên thế giới chưa có quốc gia nào công bố hết dịch, nhưng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nhiều mặt, chúng ta có cơ sở để thực hiện các biện pháp quyết liệt vừa bảo đảm bình ổn, vừa tiếp tục tăng trưởng nhanh hơn. Đó là lý do cắt nghĩa việc Việt Nam luôn nằm trong top đầu thế giới về các chỉ số phục hồi sau dịch Covid-19.

2. Trước mắt, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, có thể nhận thấy tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, đáng lưu tâm, nhất là lĩnh vực tiền tệ, giá cả, thương mại và đầu tư, tạo áp lực lớn đối với nền kinh tế nước ta cả trong ngắn hạn, trung và dài hạn. Chúng ta vừa phải tiếp tục ứng phó với những tác động tiêu cực từ bên ngoài, vừa phải đẩy nhanh tiến độ xử lý những hạn chế, yếu kém và những khó khăn, thách thức từ nội tại của nền kinh tế… “Phải chăng sắp tới chúng ta vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn hơn so với thời cơ, thuận lợi cho phát triển”. Với trăn trở đó, tại Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Đảng yêu cầu các cấp độ chủ thể lãnh đạo, quản lý cần nhận định, đánh giá đúng tình hình, phân tích rõ nguyên nhân, xác định trúng những quan điểm phát triển, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu tổng quát, một số chỉ tiêu cơ bản, quan trọng và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho năm 2023 và những năm tiếp theo.

Để đáp ứng yêu cầu đặt ra, dĩ nhiên có nhiều việc cần thống nhất nhận thức và cùng phối hợp hành động.

Thứ nhất, quán triệt và tập trung thực hiện hiệu quả các quyết sách của Đảng, Nhà nước, từng bước vượt khó, hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023, tạo tiền đề để hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu phát triển những năm tiếp theo.

Quang cảnh Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Ảnh: Nhật Bắc

Để thực hiện định hướng trên đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm hành động cao nhất. Tiếp tục nêu cao cảnh giác, chủ động kiểm soát có hiệu quả hơn nữa dịch Covid-19 và các dịch bệnh mới phát sinh, tuyệt đối không được chủ quan, không được để bị động, bất ngờ, bảo đảm năng lực khám-chữa bệnh, phòng-chống dịch bệnh của hệ thống y tế. Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, đặc biệt là cân đối về tài chính-ngân sách nhà nước; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực nội tại, tính tự chủ, khả năng chống chịu và tính thích ứng của nền kinh tế. Củng cố, phát huy và tạo lập các động lực tăng trưởng mới trong trung hạn và dài hạn. Quyết liệt và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đột phá chiến lược, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là các dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia. Đẩy mạnh xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Thứ hai, tạo đột phá trong xây dựng mô hình và phương thức quản trị quốc gia, quản trị địa phương, đáp ứng yêu cầu đổi thay, phát triển nhanh và sâu rộng. Ngày nay, dưới tác động của cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ tư, nền kinh tế thế giới đã có sự thay đổi căn bản ở tầng sâu sản xuất vật chất, kéo theo sự thay đổi kết cấu kinh tế, cơ cấu xã hội. Cùng với đó, kinh tế thị trường càng phát triển gắn với toàn cầu hóa, sự xuất hiện đa chủ thể và đề cao sự hợp tác giữa các chủ thể, cả công và tư, cả trong nước và quốc tế tham gia giải quyết các vấn đề của cộng đồng, tập thể. Giờ đây, mô hình, phương thức quản lý xã hội theo kiểu truyền thống-nhà nước duy nhất quyết định và làm mọi việc, phải đổi thay theo hướng là một thành tố đóng vai trò cụ thể hóa tầm nhìn, định hướng phát triển, kiến tạo thể chế cho sự phát triển, tạo ra luật chơi, sân chơi và cả người chơi phù hợp trong hành trình phát triển quốc gia; chia sẻ, tham gia giải quyết các vấn đề an ninh, giữ gìn hòa bình thế giới. Dĩ nhiên, ở Việt Nam đó là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nhà nước tạo lập và từng bước hoàn thiện thể chế, cơ chế để người dân có thể giám sát chính quyền thông qua việc tăng cường tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình; thực hiện phân cấp, phân quyền trong quản trị quốc gia, quản trị địa phương, bảo đảm vừa thống nhất, vừa phát huy tính chủ động, linh hoạt; cải thiện khả năng chống chịu, sức đề kháng trước những “thất bại của thị trường”; là bộ máy tinh gọn-chính phủ số, hiện đại, cạnh tranh hiệu quả; bảo đảm hiệu lực quản lý công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ tài nguyên, môi trường.

Thứ ba, các chủ thể cầm quyền tích cực tạo lập động lực mới cho sự phát triển trong điều kiện khan hiếm các nguồn lực. Nguồn lực để phát triển của Việt Nam là có hạn. Để lãng phí và mất cơ hội phát triển đất nước, trước hết là “lỗi của Chính phủ”. Với vai trò định hướng, điều tiết vĩ mô, Nhà nước có trách nhiệm tạo ra môi trường để cho mọi cá nhân, tổ chức có khát vọng vươn lên; thu hút được nhân tài, khuyến khích họ tham gia làm giàu cho mình, cho đất nước một cách công bằng và không bị các rào cản chính sách và độc quyền; thực hành các giải pháp tạo dựng, huy động, sử dụng các nguồn lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo đó, ưu tiên tạo chuyển biến thực sự từ giáo dục-đào tạo, khoa học công nghệ đến chăm sóc thể chất, sức khỏe; từ xác lập và củng cố hệ giá trị văn hóa, con người Việt Nam đến việc bảo lưu, đồng thời chủ động chọn lọc, dung hợp các giá trị tiến bộ, văn minh của nhân loại, mang đến sự bùng nổ các thuộc tính bản chất người. Nhân rộng các mô hình khởi nghiệp trên lĩnh vực kinh tế tri thức, kinh tế số, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh… Ngoài ra, chính quyền các cấp cần tính toán hợp lý để tích lũy nguồn lực công đủ sức thực hiện đầu tư “táo bạo”, tạo nên những “cú hích”, sự bứt phá trong những lĩnh vực thuộc ưu thế của quốc gia, của từng địa phương.

Thứ tư, trên cơ sở nâng cao sức mạnh nội sinh, khẳng định vị thế quốc gia, cần tăng cường các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Thực thi đường lối đối ngoại mềm dẻo, linh hoạt nhưng có tính nguyên tắc để bảo vệ trước hết, trên hết lợi ích quốc gia, dân tộc mà không làm phương hại lợi ích của các quốc gia, dân tộc khác. Đưa quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững hơn. Đặc biệt, cảnh giác trước tính hai mặt của quan hệ giữa các nước lớn, không để rơi vào tình thế bị cô lập, không rơi vào vòng xoáy của chiến tranh; chủ động trước những diễn biến ngày càng xấu hơn của an ninh toàn thế giới, nhất là ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Triển khai kịp thời, chủ động phòng-chống nguy cơ xung đột, chiến tranh từ sớm, từ xa; tăng cường tiềm lực quân sự đủ sức mạnh răn đe cần thiết; củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân có chiều sâu chiến lược. Tăng cường thông tin phân tích, bình luận, đánh giá nhằm định hướng dư luận một cách đúng đắn, lành mạnh, không nhường trận địa cho những thông tin phiến diện, những cách nhìn lệch lạc, thậm chí xuyên tạc đường lối, chính sách đối nội, đối ngoại của Đảng và Nhà nước.

Phó Giáo sư-Tiến sĩ HỒ TẤN SÁNG

Có thể bạn quan tâm