Báo xuân

Cuộc đời bình dị của người được phong tướng đầu tiên ở Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cuộc đời của Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Y Blôk Eban có thể viết thành một cuốn sách dài. Tiếc là năm 2015, khi tôi đến thăm ông tại nhà riêng thì Thiếu tướng sức đã yếu, vợ ông không cho phép hỏi chuyện nhiều. Dù vậy, qua cuộc chuyện trò ngắn ngủi hôm ấy, tôi cũng biết được phần nào cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú của ông.

Từ lính khố xanh thành tướng cách mạng

Ông Y Blôk Eban sinh năm 1921 ở buôn Chư Dluê, thị xã Buôn Ma Thuột (nay là TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đak Lak). Mới lên 2 tuổi, cha ông đã qua đời khiến mẹ ông phải đi ở cho chủ nô Ma Nhơn để nuôi 7 đứa con. Thấy Y Blôk thông minh, ham học hỏi nên chủ nô đã cho ông đi học. Năm 15 tuổi, khi học hết tiểu học, ông bị Pháp bắt làm lính khố xanh canh giữ nhà đày Buôn Ma Thuột. Lúc ông 20 tuổi thì mẹ qua đời. Mẹ chết mà không được về làm ma cho mẹ, nỗi căm hận thực dân Pháp trong lòng Y Blôk đã bắt đầu từ đó.

Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Y Blôk Eban bên con dâu và cháu nội. Ảnh: Đ.V

Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Y Blôk Eban bên con dâu và cháu nội. Ảnh: Đ.V

Cũng thời gian này, ông được các đồng chí trong nhà đày Buôn Ma Thuột như Nguyễn Chí Thanh (sau này là Đại tướng), Trần Hồng Chương (sau là Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản), Bùi San (sau là Bí thư Tỉnh ủy Bình Trị Thiên) giác ngộ cách mạng. Từ đó, ông bắt đầu bí mật xây dựng lực lượng chính từ những người lính khố xanh được cảm hóa, chuẩn bị kế hoạch để vùng lên. Ngày 22-8-1945, cùng với sự hỗ trợ của quần chúng nhân dân, ông đã chỉ huy tiểu đội lính khố xanh biến buổi chào cờ của địch thành cuộc mít tinh giành chính quyền về tay Nhân dân tại thị xã Buôn Ma Thuột. Từ chiến công này, ông đã trở thành cán bộ quân đội, trưởng thành từ cán bộ cấp đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn rồi đến quyền Tư lệnh Quân khu 6 với quân hàm Đại tá vào thời điểm giải phóng Buôn Ma Thuột ngày 10-3-1975.

Có thể nói, đỉnh cao trong cuộc đời cách mạng của Y Blôk chính là chiến thắng Buôn Ma Thuột. Hoạt động ở buôn làng, Y Blôk đã cùng với các đồng chí của mình biến một vùng núi rừng rộng lớn trở thành chiến khu được chuẩn bị kỹ lưỡng với sự đồng lòng, đồng sức của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

Giải phóng quê hương, ông Y Blôk giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Đak Lak cho đến ngày về hưu. Năm 1982, ông được phong hàm Thiếu tướng và trở thành vị tướng đầu tiên của các dân tộc Tây Nguyên.

Ngọn cờ đoàn kết các dân tộc

Tôi không muốn kể nhiều về những chiến công trong quãng đời trận mạc của Thiếu tướng Y Blôk Eban, bởi những chiến công đó không còn xa lạ với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Vậy nên chỉ nói thêm một chút về đời tư và nghệ thuật dân vận của ông.

Mặc dù là một sĩ quan quân đội nhưng Y Blôk Eban lại rất giỏi trong công tác vận động quần chúng. Ông Huỳnh Văn Cần-nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đak Lak-nhớ lại: “Thời đó, dân đang bị địch tuyên truyền, tìm cách lôi kéo họ rời xa cách mạng. Vậy nên, vấn đề là làm sao phải để cho dân đứng về phía mình chứ không được để dân đứng giữa hay là ở phía địch. Bằng những chiến công lẫy lừng cộng với tấm lòng hết mình vì dân, Y Blôk Eban đã kéo được dân đứng về phía cách mạng”. Còn nhớ trước trận quyết chiến Buôn Ma Thuột, có người cho rằng nếu đưa cả quân và dân vào thì “rầy rà” lắm.

Ngày mới trên hồ Lak (huyện Lak, tỉnh Đak Lak). Ảnh: Phan Nguyên

Ngày mới trên hồ Lak (huyện Lak, tỉnh Đak Lak). Ảnh: Phan Nguyên

Nhưng Y Blôk Eban và ông Bùi San lại đưa ra quan điểm khác: Phải đưa cả quân và dân vào thì mới có chiến thắng trọn vẹn. Cuối cùng, phương án của 2 ông đã được chấp nhận. Điều này được chứng minh với sự nổi dậy kết hợp của người dân, chỉ sau một thời gian ngắn, Buôn Ma Thuột đã được giải phóng. Thế mới thấy sức mạnh của dân là lớn đến dường nào.

Có lẽ từ kinh nghiệm đó mà sau khi nghỉ hưu, tướng Y Blôk vẫn tiếp tục làm công tác dân vận. Bởi ông thấy nhiều nơi cán bộ làm công tác vận động kém đã để bọn FULRO âm thầm lôi kéo quần chúng nhân dân chống phá cách mạng. Ông Huỳnh Văn Cần kể: Thời đó, tất cả cuộc họp lớn nhỏ tại các địa bàn có FULRO, Y Blôk đều có mặt để tuyên truyền, vận động đồng bào. Ông đến từng nhà, thăm từng người để nói chuyện phải trái. Quan điểm của ông Y Blôk là phải lấy nhân tâm, dùng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước để thu phục bọn phản động. Ông bảo: Nếu nó chạy thì nhất định không đánh, còn nếu nó chần chừ thì tìm cách vận động… Người thân của ông kể: Khi đã bước sang tuổi 95, “cái đầu đã không còn tỉnh táo lắm, cái chân nhấc lên đã quá khó khăn” nhưng trong mỗi câu chuyện với các đồng chí của mình, ông vẫn luôn trăn trở việc buôn, việc nước.

Và có lẽ, cũng bởi suốt đời luôn trăn trở việc nước mà đời tư của Thiếu tướng Y Blôk Eban không mấy suôn sẻ. Sau khi giác ngộ cách mạng rồi trở thành cán bộ quân đội, người vợ “bắt” ông ngày trước đã bỏ đi lấy chồng khác. Mãi đến năm 1961, ông mới gặp và yêu Kpă HNgọt, cô du kích của núi rừng Phú Yên. Nhưng phải đến 5 năm sau, khi đã ở tuổi 45, ông bà mới chính thức lập gia đình. “Biết là tháng sau tôi đẻ rồi nhưng ổng bỏ đi đến 3 năm sau mới trở về. Chắc kiếp trước ổng mắc nợ với núi rừng nên kiếp này phải trả nợ cho núi rừng, cho dân tộc hay sao ấy”-bà Kpă HNgọt chỉ nói vui như thế nhưng đã khiến những đồng chí già của Thiếu tướng rưng rưng. Ông Lê Chí Quyết-nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Đak Lak-nhớ lại: Vợ sinh cả mấy đứa con, ông đều vắng mặt. Ở nhà vợ sinh đẻ cực khổ nhưng ông chẳng lo được gì, thậm chí chẳng gửi về được chút gì. Bởi chế độ có gì thì ông cũng đều chia hết cho anh em chứ đâu có nghĩ đến mình. Cũng bởi lẽ sống chí công vô tư đó nên khi đã về hưu, mặc dù được Nhà nước cấp cho căn nhà ở TP. Buôn Ma Thuột nhưng ông đã từ chối sự ưu đãi đó để về lại khu vườn nhỏ ven thành phố sống nốt quãng đời còn lại. Năm 1982, khi Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công vào thăm, thấy căn nhà quá chật chội mới xây tặng ông một căn nhà mới. Cho đến tận khi các con đã thành đạt, ông vẫn sống giản dị trong căn nhà đơn sơ ấy.

ĐĂNG VƯƠNG

Có thể bạn quan tâm