Báo xuân

Mềm mại cung đường biên giới

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Ngày cuối đông, giữa trập trùng non cao, mọi vất vả nhọc nhằn chợt tan biến trong sự mềm mại những cung đường mùa xuân biên giới.

“Đường xuân” bên khung dệt

Ngày cuối năm, khi chúng tôi về làng Goòng (xã biên giới Ia Púch, huyện Chư Prông) tìm gặp nữ già làng Siu Phinh cũng là ngày bà chuẩn bị bước sang “72 mùa rẫy”. Già làng Goòng tuổi Tân Mão (1951) nhưng trong giấy tờ lại khai thêm 1 tuổi để được… tham gia Đoàn Thanh niên, rồi vào du kích đánh giặc. Chỉ một chi tiết nhỏ ấy thôi cũng đủ để thấy có một ngọn lửa luôn bùng cháy trong tim của người phụ nữ Jrai này.

Câu chuyện về nữ già làng Siu Phinh thì trải dài tựa cung đường biên giới, ở đó có sự trầm lắng, mềm mại và mạnh mẽ, thăng hoa như khi cung đường “lội” qua con suối rồi “vắt” lên non cao. Tựu trung lại đó là sự cống hiến cho quê hương, cho dân tộc, cho cái đẹp nơi đất trời biên giới. Bởi lẽ, để có người phụ nữ đứng ra gánh vác trọng trách của người đàn ông trong đời sống cộng đồng chưa bao giờ là điều đơn giản. Nó không chỉ phụ thuộc vào năng lực, uy tín mà còn bị chi phối bởi quan điểm, phong tục tập quán. Chính vì lẽ đó, “lá phiếu” mà người làng Goòng bầu cho bà Siu Phinh 7 năm về trước chắc chắn phải có “chỉ số tín nhiệm” tuyệt đối. Đáp lại niềm tin của bà con, già làng Siu Phinh chăm lo chu đáo từ việc lớn đến việc nhỏ, việc xã hội đến việc gia đình. Sự nhẹ nhàng, ân cần, lòng kiên trì và thấu hiểu của nữ già làng khi đứng ra giải quyết các vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn trong cộng đồng, gia đình cũng dễ thuyết phục người nghe hơn.

Già làng Siu Phinh (thứ 2 từ phải sang) cùng Đội Công tác địa bàn Đồn Biên phòng Ia Púch (huyện Chư Prông) vận động phụ nữ làng Goòng tham gia lớp học dệt thổ cẩm. Ảnh: Thái Kim Nga

Già làng Siu Phinh (thứ 2 từ phải sang) cùng Đội Công tác địa bàn Đồn Biên phòng Ia Púch (huyện Chư Prông) vận động phụ nữ làng Goòng tham gia lớp học dệt thổ cẩm. Ảnh: Thái Kim Nga

Những năm gần đây, “người mẹ tinh thần” của làng Goòng còn đảm nhận vai trò “đứng lớp” khi tổ chức các tổ, đội múa xoang trong làng, trong xã để phục vụ các hoạt động liên quan đến văn hóa cồng chiêng. Đặc biệt, trước sự mai một của nghề dệt thổ cẩm truyền thống, già làng luôn đau đáu nỗi niềm làm thế nào để khôi phục một trong những nét văn hóa đặc sắc mà ông bà tổ tiên để lại. Bởi, thế hệ của bà giờ đây không còn nhiều người, nếu không làm nhanh chắc sẽ không kịp. Lòng đã quyết, già làng Siu Phinh kiên trì “cầm tay chỉ việc” cho chị em, ân cần nắn nót từng động tác, từng đường kim sợi chỉ để tấm thổ cẩm mang “thương hiệu” làng Goòng ngày càng trở nên hoàn hảo hơn.

Căn nhà nhỏ của già làng Goòng vào dịp nông nhàn hay những ngày cận Tết luôn rộn ràng tiếng nói cười của các chủ nhân đất rừng biên giới. Bên khung dệt, từng tốp, từng tốp học viên miệt mài tiếp thu những kỹ năng từ “người thầy” đáng kính của mình để mọi đường tơ kết lại, tạo nên tấm thổ cẩm đa sắc nhưng vẫn mềm mại, tinh tế tựa như dòng chảy mùa xuân trường tồn với thời gian. “Đã có hàng chục chị em phụ nữ, thanh-thiếu niên trong làng được mình truyền dạy nghề giờ đây đã tự tay dệt thổ cẩm, may trang phục truyền thống cho gia đình. Mình rất vui vì đã có lớp người kế cận để tấm thổ cẩm được gìn giữ, phát huy giá trị trong đời sống cộng đồng”-già làng Siu Phinh cười thật tươi chia sẻ với chúng tôi.

Những “chàng lãng tử” trên cung đường biên giới

Lặng lẽ, bình yên đến bất tận. Đó là cảm nhận của chúng tôi khi được đón Tết sớm với lính Biên phòng trên cao điểm 383 thuộc đoạn biên giới Đồn Biên phòng Ia Púch quản lý, bảo vệ. Nói là Tết sớm cho ấm áp ngày cuối đông, chứ thật ra giữa vùng biên quạnh vắng này, ngày thường cũng như ngày Tết, chẳng khác là bao. Có chăng, thêm nhánh mai rừng và mâm ngũ quả được anh em trân trọng dâng lên bàn thờ Bác, cùng những chuyến tuần tra biên giới được tăng dày hơn.

Đêm cuối năm trên đường tuần tra. Mắt đã được thấy, tai lại được nghe “Hành khúc người chiến sĩ Biên phòng” của nhạc sĩ Trần Danh, tôi càng thấm thía hơn giá trị mỗi bước chân, mỗi ánh mắt của người ở lại với mùa xuân biên giới. Có cảm giác họ như những “chàng lãng tử” sải bước khoáng đạt, tự tin, mềm mại, yêu đời: “Núi rừng biên cương bao dốc đèo mà chân ta đã leo. Chớp giật mưa giăng có sá gì mà chân ta vẫn cứ đi. Dù trời gió mưa những đêm tối tăm không trăng sao mịt mù. Dù trời rét sương gió mây núi vây quanh ta trập trùng. Vững bước ta đi lên, mắt dõi soi đêm đêm. Ngọn lửa bừng trong tim cháy sáng…”. Với lính Biên phòng trên cao điểm 383, không chỉ mùa xuân này mà ròng rã suốt 3 năm qua, họ vẫn kiên trì đứng đó, linh hoạt ứng phó với đại dịch Covid-19. Trong điều kiện điện sinh hoạt phải chắt chiu từ nguồn năng lượng mặt trời, sóng viễn thông thì phải “hứng” từ… ngọn cây, mái nhà hoặc “bật chế độ” dò tìm đâu đó trong vòng bán kính 5 km, còn nước uống vào mùa khô thì về đồn chở ra, khó khăn, thử thách có thể nói “đều” như cân đường hộp sữa thời bao cấp vậy. Tuy nhiên, vượt lên tất cả, người lính nơi chốt tiền tiêu vẫn vững lòng để cung đường biên giới luôn gần gũi trong trái tim mình.

Cán bộ, chiến sĩ Biên phòng tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: Phương Dung

Cán bộ, chiến sĩ Biên phòng tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: Phương Dung

“Tôi yêu mùa xuân biên giới và đã có đôi lần xúc cảm đến rơi nước mắt khi đón Giao thừa trên cung đường tuần tra”-Đại úy, Chốt trưởng Trần Đình Nghĩa vừa vào bếp chuẩn bị bữa cơm chiều cho anh em, vừa trò chuyện với chúng tôi. Trong câu chuyện của “chàng lãng tử” này có một chi tiết khiến tôi vô cùng nể phục đó là 22 mùa xuân đi qua trong từng đó “tuổi quân” của anh đều dành cho biên giới. Nghĩa là kể từ ngày vào lính Biên phòng đến nay, Trần Đình Nghĩa chưa từng một lần được đón Giao thừa bên cạnh gia đình-một “kỷ lục” mà có lẽ khó ai chinh phục được. Theo chia sẻ của anh, điều này là hoàn toàn tự nguyện bởi chế độ nghỉ phép ngày Tết luôn bảo đảm công bằng đối với mọi cán bộ, chiến sĩ. Tuy nhiên, mỗi lần có lịch trực Tết của Bộ Chỉ huy ban hành xuống là anh lại nhường suất của mình cho anh em mà lòng nhẹ như một tiếng cười. “Mình có thể về với gia đình trước hoặc sau Tết. Chẳng thiệt thòi gì cả, biên giới vào xuân cũng rất đẹp”-Chốt trưởng Trần Đình Nghĩa trải lòng mình. Lính Biên phòng là thế đấy, biên giới luôn ở trong tim, dẫu vẫn có đôi lần xúc cảm đến rơi nước mắt trước nỗi nhớ gia đình, người thân.

Tạm biệt chốt Biên phòng trên cao điểm 383 trong chiều cuối đông đầy nắng và gió, tôi đã cảm nhận được những nét đẹp lướt qua nhẹ nhàng trong sự bình yên. Phía sau những bước chân trèo đèo lội suối và ánh mắt xuyên qua màn đêm của những “chàng lãng tử” có một “đường xuân” mềm mại trải dài đến bất tận trên cung đường biên giới.

Có thể bạn quan tâm