Chào xuân mới 2023

Báo xuân

Mùa xuân bên khung cửi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Buôn làng vào mùa lễ hội, những chàng trai, cô gái Jrai xúng xính trong bộ trang phục thổ cẩm truyền thống được dệt nên từ chiếc khung cửi do chính những người đàn ông có đôi tay tài hoa chế tác.

1. Xuân này là tròn 70 năm, ông Ksor Krôh (làng Ngó 4, xã Ia Ka, huyện Chư Păh) gắn bó với những chiếc khung cửi đượm màu thời gian. Ông gọi đó là những chiếc khung cửi truyền đời. Hồi nhỏ, ông vẫn thường chơi bên khung cửi mỗi khi mẹ dệt vải. Rồi không biết từ lúc nào, ông Krôh thuộc lòng nguyên tắc hoạt động của nó. Ông nhớ lại: “Khung dệt của người Jrai không cố định. Vì vậy, người phụ nữ có thể lắp ráp khung và dệt ở mọi nơi, khi thì bên gốc cây, chân nhà sàn hoặc ra nhà rông dệt cùng bà con dân làng. Người làm khung cửi thường là đàn ông trong gia đình. Tôi học cách làm khung cửi từ ông và cha của mình”.

Nói rồi, ông Krôh giới thiệu cho chúng tôi bộ khung cửi khổ rộng vừa hoàn thành. Khung dệt gồm các bộ phận: đệm lưng, thanh cuốn, thanh dập sợi, con thoi, thanh tách, ống tách, thanh kẹp sợi, thanh dàn các lớp sợi, thanh đạp chân. Theo ông Krôh, trong khung cửi, thanh cuốn vải có vai trò quan trọng nhất, phải làm bằng loại gỗ chắc, có độ trơn nhẵn. Thanh cuốn có hình trụ, dài khoảng l40 cm, có các mấu nhỏ ở 2 đầu. Ngoài ra, trong bộ khung cửi, 3 loại: thanh tách các lớp sợi, ống tách các lớp sợi, thanh kẹp sợi sẽ được cặp thành một nhóm.

Phụ nữ Jrai bên khung cửi. Ảnh: Quốc nguyễn

“Tất cả bộ phận của khung cửi đều có độ dài khoảng 80-140 cm tùy theo kích thước của tấm vải. Hầu hết dụng cụ thường bóng láng vì chúng được thoa sáp ong. Việc đánh bóng có tác dụng hạn chế các sợi vải dính vào nhau hoặc bị rối trong quá trình dệt, giúp thao tác của người thợ thuận lợi, nhanh và chính xác hơn”-ông Krôh chia sẻ. Ngồi nhìn chồng mình làm khung cửi, bà Rơ Châm Bynh mỉm cười bẽn lẽn: “Ngày xưa, mình phải lòng vì ông ấy làm khung cửi đẹp và chắc chắn nhất làng. Mỗi tấm thổ cẩm được dệt từ khung cửi do ông ấy làm sẽ đẹp và sắc nét hơn rất nhiều. Sau này, nhiều người trong làng cũng tới nhờ chồng mình làm khung cửi”.

2. Trong ngôi nhà nhỏ cuối làng Chuét Ngol (xã Chư Á, TP. Pleiku), ông Ksor Nhem ngày ngày tỉ mẩn làm ra những bộ khung dệt thổ cẩm cho phụ nữ trong làng. Ông Nhem xưa nay nổi tiếng có đôi tay khéo léo khi làm ra những bộ khung cửi đẹp mắt và phù hợp với từng người thợ dệt của làng. Kể về cơ duyên gắn bó với nghề làm khung cửi, ông Nhem nói: “Vợ mình là một thợ dệt có tiếng trong vùng. Năm 20 tuổi, khi lấy vợ, mình đã mày mò học cách chế tạo khung cửi. Gần 30 năm qua, mình đã làm ra hàng trăm khung cửi với nhiều kích cỡ khác nhau. Hầu hết khung cửi này có thể sử dụng trên chục năm bởi chúng được làm rất chắc chắn”.

Theo ông Nhem, muốn làm được bộ khung cửi chắc chắn, bền đẹp thì không chỉ khéo tay mà còn phải biết sáng tạo. Mỗi khung dệt có nhiều bộ phận khác nhau. Khi giăng sợi dọc lên khung, ráp các bộ phận vào nhau thì khung dệt mới chính thức được hoàn thành. Do đó, người làm khung cửi phải biết quan sát để tìm ra những điểm mấu chốt nhằm tạo độ cân bằng, vững chắc cho bộ khung; đồng thời, kích thước và độ nặng nhẹ cũng phải phù hợp với từng thợ dệt. Ngoài thanh cuốn thì thanh dập sợi cũng là bộ phận rất quan trọng. Đó là một thanh gỗ có sống dày 3 cm, lưỡi mỏng, được làm bằng gỗ chắc chắn, có chiều dài 100 cm, rộng 6 cm. Cùng với đó, các bộ phận như: thoi đưa sợi được làm bằng một loại nứa nhỏ, dùng để luồn qua những kíp sợi khi dệt; thanh tách các lớp sợi trên dưới có hình trụ nhỏ, nhọn hai đầu; thanh dàn các lớp sợi có chức năng định vị cho các sợi sát nhau và để lấy hoa văn...

Dệt thổ cẩm ngày xuân. Ảnh: Đ.T

Ông Yinh-già làng Chuét Ngol-chia sẻ: “Xưa nay, người biết làm khung cửi chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thổ cẩm của làng đẹp nổi tiếng một phần cũng nhờ những khung cửi do ông Nhem làm ra. Mình già rồi nên khi được nghe tiếng khung cửi lách cách trong mỗi nếp nhà là thấy vui nhiều lắm”. Còn nói như ông Nguyễn Xuân Hà-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin TP. Pleiku thì: “Những người chế tạo khung cửi ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số có những cống hiến thầm lặng trong công tác gìn giữ, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc. Nhờ những đôi tay tài hoa, khéo léo ấy mà thổ cẩm của người Jrai ở Pleiku thường được du khách tìm mua”.

3. Ông Siu Tê (làng Bạc I, xã Ia Phìn, huyện Chư Prông) được mệnh danh là người “đánh thức thổ cẩm”. Đưa bộ khung cửi có tuổi đời trên 10 năm tới nhà nhờ ông Siu Tê chỉnh sửa, bà Siu Noih (làng Bạc I) kể: “Đây là bộ khung cửi thứ 2 của tôi do chính tay ông Tê làm”.

Nhìn ông Tê chăm chút chỉnh sửa bộ khung cửi mới thấy hết được tấm lòng của ông dành cho những “đứa con tinh thần” của mình. Khi nghề dệt thổ cẩm trong làng dần bị quên lãng, ông Tê đã lặng lẽ làm ra những bộ khung dệt đẹp mắt để tặng và thuyết phục những người phụ nữ quay lại với khung dệt. “Khung dệt rất quan trọng với người phụ nữ Jrai. Để họ bỏ quên là điều rất đáng buồn. Rất may nhiều người phụ nữ trong làng vẫn mê khung cửi do tôi làm nên họ hào hứng quay lại nghề dệt. Một khung cửi tốt sẽ làm ra những tấm thổ cẩm đẹp và tinh xảo. Những người phụ nữ khi ngồi vào khung dệt, họ là người mang sứ mệnh chuyển tải thông điệp văn hóa của dân tộc mình đến với mọi người”-ông Tê tâm sự.

Làng Bạc I hiện còn rất ít người hiểu và thông thạo cách làm khung cửi như ông Tê. Bởi vậy, những người trẻ như Trưởng thôn Rơmah Kơc luôn thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Anh Kơc chia sẻ: “Bộ khung cửi khi nhìn qua thì khá đơn giản song để làm được nó thì đòi hỏi sự kiên trì, chịu khó và óc sáng tạo. Chúng tôi quyết tâm giữ nghề để viết tiếp ước mơ về một làng dệt thổ cẩm truyền thống ngày ngày ngân vọng tiếng thoi đưa”.

Có thể bạn quan tâm