Báo xuân

Những phụ nữ Gia Lai tự nguyện trả lại sổ hộ nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Làm đơn xin thoát nghèo không còn là chuyện mới, song trên thực tế, con số này chưa nhiều. Và, câu chuyện của 2 phụ nữ đã luống tuổi chủ động viết đơn xin thoát nghèo khiến nhiều người phải suy ngẫm.

1. Chuyện bà Trần Thị Lanh (tổ 3, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) làm đơn xin thoát nghèo hồi cuối năm 2021 khiến nhiều người không khỏi bất ngờ. Ngoài ngôi nhà mới được xây dựng lại cho kiên cố thì gia đình bà không có tài sản gì đáng giá. Thậm chí, bà còn phải làm lụng vất vả để có tiền chữa bệnh và nuôi con ăn học.

Bà Trần Thị Lanh chăm sóc vườn rau xanh của gia đình. Ảnh: A.H

Bà Trần Thị Lanh chăm sóc vườn rau xanh của gia đình. Ảnh: A.H

Bà Lanh có 5 người con nhưng chỉ có 2 là khỏe mạnh. Người con thứ 2 bị bệnh tan máu bẩm sinh chỉ sống đến 7 tuổi; con thứ 3 mất ngay sau sinh. Người con thứ 4 cũng mắc bệnh tan máu bẩm sinh nên suốt 25 năm qua, 2 mẹ con bà ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Khó khăn là vậy nhưng chưa một lần bà Lanh than trách số phận. Có lẽ bà hiểu, nếu bản thân không mạnh mẽ, các con sẽ mất đi chỗ dựa. Vì vậy, ngoài thời gian dành cho con, vợ chồng bà lại cần mẫn làm thuê, làm mướn. Sau nhiều năm tích góp, ông bà cũng mua được 1 sào đất và vay vốn ưu đãi để chăn nuôi heo, gà, đào ao thả cá. Năm 2020, thấy căn nhà đã xuống cấp, vợ chồng bà bán bớt đất để có tiền xây nhà mới, số tiền còn lại thì đầu tư cải tạo vườn trồng rau, trồng hoa, góp phần tăng thu nhập.

Dẫn chúng tôi ra thăm vườn rau của gia đình, bà Lanh cho hay: Mỗi tháng, gia đình bà kiếm được 5-6 triệu đồng từ trồng hoa, rau các loại. Nhờ vậy mới có tiền để nuôi con ăn học, trang trải chi phí đi lại, thuốc men cho con gái bị bệnh. Hiện cô con gái lớn đã lập gia đình ở riêng; con trai út đang học năm 3 Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh. Trước những thắc mắc của mọi người về lý do thoát nghèo, bà Lanh cười hiền: “Hơn 20 năm qua, gia đình tôi đã được Nhà nước và các Mạnh Thường Quân giúp đỡ rất nhiều, từ kinh phí chữa bệnh đến quà tặng vào các dịp lễ, Tết. Hiện gia đình tôi cũng đã có nhà ở kiên cố, con gái có bảo hiểm y tế hỗ trợ trong mỗi lần truyền máu nên tôi nhường lại sự hỗ trợ cho những người khó khăn hơn”.

Ông Hoàng Văn Long-Tổ trưởng tổ dân phố 3-cho biết: Gia đình bà Lanh từ trước tới nay gặp nhiều khó khăn do con cái không may mắc bệnh hiểm nghèo. Thời gian qua, phường Hoa Lư và tổ dân phố 3 cũng đã quan tâm thăm hỏi, tặng quà, giúp vay vốn để bà Lanh phát triển kinh tế. Việc bà Lanh tự nguyện xin thoát nghèo là rất đáng trân trọng. Việc làm này đã tác động tích cực đến tinh thần vượt khó vươn lên của người dân trên địa bàn.

Bà Trần Thị Kỳ vệ sinh nhà cửa chuẩn bị đón Tết. Ảnh: N.H

Bà Trần Thị Kỳ vệ sinh nhà cửa chuẩn bị đón Tết. Ảnh: N.H

2. Bước qua tuổi 71 lại mắc bệnh viêm đa khớp nên việc đi lại của bà Trần Thị Kỳ (làng Ia Lâm Tôk, xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ) hết sức khó khăn. Cách đây 3 năm, bà quyết định làm đơn xin trả lại sổ hộ nghèo cho địa phương. Thời điểm ấy, các con của bà đều đã lập gia đình, dọn ra ở riêng, cuộc sống cũng không mấy dư giả. Bà ở cùng cháu ngoại Lã Đăng Thanh (SN 2011) bị thiểu năng trí tuệ trong ngôi nhà thưng bằng ván cũ kỹ, dột nát. Trong làng, nhiều người cứ thắc mắc, không hiểu vì lý do gì mà một người già đang nuôi cháu bị bệnh lại làm chuyện lạ đời như thế.

Trình bày nguyện vọng với cấp ủy, chính quyền địa phương, cựu nữ thanh niên xung phong từng được Chủ tịch nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng ba nói: “Xã hội vẫn còn nhiều người nghèo hơn, khổ hơn 2 bà cháu. Vì dù sao bà cháu tôi còn có nhà để ở. Hàng tháng, tôi có tiền chế độ dành cho cựu thanh niên xung phong, cháu ngoại có tiền trợ cấp tàn tật. Bà cháu chắt chiu nuôi nhau, cuộc sống cũng tạm ổn”. Thể theo nguyện vọng của gia đình và căn cứ vào các tiêu chí đánh giá, cuối năm 2019, chính quyền địa phương đã xét thoát nghèo cho gia đình bà. Tuy nhiên đến năm 2021, qua rà soát theo chuẩn nghèo đa chiều tiêu chí mới, gia đình bà tái nghèo.

Sớm ngoại ô Pleiku. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc

Sớm ngoại ô Pleiku. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc

Không lấy sức khỏe làm lý do, cũng không đổ lỗi cho hoàn cảnh, bà chăm lo cải tạo lại khoảnh vườn sau nhà, cần mẫn trồng rau, nuôi gà để cải thiện cuộc sống. Riêng ngôi nhà đang ở, bà được cấp ủy, chính quyền địa phương và Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Bắc Tây Nguyên giúp đỡ xây dựng mới. Và, trong đợt bình xét hộ nghèo mới đây, bà đã thoát nghèo. “Bà cháu tôi đã nhận được sự quan tâm giúp đỡ rất nhiều từ các cấp, các ngành. Tôi nghĩ, cuộc sống hiện tại tạm ổn, bà cháu có thể tự lo, đau ốm thì có thẻ bảo hiểm y tế được hưởng 100% chi phí khám-chữa bệnh; con trai cũng chuyển đến ở gần để tiện chăm sóc, đỡ đần”-bà Kỳ trải lòng. Theo ông Nguyễn Ngọc Cường-Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Ia Krêl, tinh thần, sự nỗ lực của bà Kỳ rất đáng ghi nhận. Mới đây, bà cũng xin thoát khỏi danh sách hộ cận nghèo vì muốn nhường sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành, của địa phương cho những hộ khó khăn khác.

ANH HUY - NHẬT HÀO

Có thể bạn quan tâm