Báo xuân

Nông dân tiêu biểu kể chuyện làm giàu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Nhiều nông dân trong tỉnh đã mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị để nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập trên cùng một diện tích và đưa các mặt hàng nông sản vươn ra thị trường quốc tế. Trong đó, một số người đã được trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc”.

Từ chăn bò trở thành giám đốc hợp tác xã

Năm 1990, ông Huỳnh Văn Ánh cùng gia đình từ xã Bình Sa (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) vào thôn Phú Quang (xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh) lập nghiệp. Những ngày đầu ở vùng đất mới, gia đình ông gặp không ít khó khăn. Khi đó, ông vừa đi làm thuê, vừa khai hoang đất trồng các loại cây ngắn ngày để trang trải cuộc sống. Có vốn, ông mua 1 con bò cái về nuôi. Khi bò đẻ con, ông để lại gây đàn. Cứ như vậy, tới năm 2008, gia đình ông có đến 700-800 con bò, vài chục con trâu. Không chỉ phát triển chăn nuôi, ông Ánh còn trồng 2 ha cà phê, 2 ha hồ tiêu và 2 ha cao su. Sau khi cây hồ tiêu bị bệnh rồi chết, ông đã chuyển đổi sang trồng cà phê. “Quan điểm của tôi là làm nông nghiệp phải xác định hạn chế vay vốn và trồng nhiều loại cây, kết hợp chăn nuôi sẽ vừa giảm chi phí, tránh rủi ro. Hiện tại, với 4 ha cà phê, 2 ha cao su và hơn 100 con bò, 50 con trâu, sau khi trừ chi phí đầu tư, tôi còn lợi nhuận khoảng 1 tỷ đồng/năm”-ông Ánh chia sẻ.

Ông Huỳnh Văn Ánh nhận chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2021. Ảnh: Lê Nam

Ông Huỳnh Văn Ánh nhận chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2021. Ảnh: Lê Nam

Ông Ánh luôn thuộc nằm lòng phương châm “muốn đi nhanh thì đi một mình, còn muốn đi xa thì phải đi cùng nhau”. Do vậy, ông đã vận động một số hộ kinh doanh, trồng trọt và chăn nuôi để thành lập hợp tác xã (HTX). Năm 2017, HTX Nông-lâm nghiệp xã Ia Hrú ra đời với 7 thành viên do ông Ánh làm Giám đốc. Hiện nay, HTX đang liên kết với người dân trên địa bàn huyện canh tác khoảng 20 ha cà phê, 10 ha chanh dây, 10 ha lúa, đậu phộng và chuối. Hợp tác xã hỗ trợ bà con cây giống, một phần phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và bao tiêu sản phẩm. Để nâng cao giá trị sản phẩm, HTX đã làm ra thành phẩm hạt tiêu đen, dầu đậu nành, cà phê Trung Sơn, gạo Kê Lau. Đặc biệt, gạo Kê Lau đã được chứng nhận 3 sao OCOP cấp tỉnh. Kê Lau là giống lúa truyền thống của người dân tộc bản địa, trồng 6 tháng mới cho thu hoạch và 1 năm chỉ làm được 1 vụ. Hợp tác xã liên kết sản xuất lúa Kê Lau để phục tráng và bảo tồn nguồn giống của bà con dân tộc thiểu số và chế biến thành gạo đặc sản. “Với sự cố gắng trong sản xuất nông nghiệp của gia đình và điều hành HTX, tôi vừa được bình chọn là 1 trong 100 gương mặt nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022. Đây là vinh dự của người nông dân”-ông Ánh vui vẻ nói.

Người đưa chanh dây Việt Nam xuất ngoại

Năm 2022, chị Đỗ Thị Mỹ Thơm-Giám đốc HTX Nông nghiệp và dịch vụ Hùng Thơm Gia Lai (thôn Nhơn Tân, xã Đak Ta Ley, huyện Mang Yang) được bình chọn là 1 trong 100 “Nông dân Việt Nam xuất sắc”. Chị là người đứng ra thành lập HTX, liên kết người dân trồng, chế biến chanh dây và đưa chanh dây xuất ngoại.

Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Hùng Thơm Gia Lai chế biến chanh dây xuất khẩu. Ảnh: Lê Nam

Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Hùng Thơm Gia Lai chế biến chanh dây xuất khẩu. Ảnh: Lê Nam

Trò chuyện cùng chúng tôi, chị Thơm cho biết: Chị từng gắn bó với cà phê, hồ tiêu nhưng hiệu quả kinh tế mang lại không cao do thiếu kinh nghiệm sản xuất, thiếu vốn, rồi cây hồ tiêu lại bị bệnh chết nhanh, chết chậm. Cơ duyên gắn bó với cây chanh dây của chị bắt đầu từ năm 2007. Khi đó, gia đình chị tìm mua giống chanh dây từ tỉnh Lâm Đồng về trồng thử nghiệm trên 4 sào đất. Nhận thấy tiềm năng kinh tế của loại cây này, chị đã mở rộng diện tích của gia đình; đồng thời, liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho các hộ dân trồng chanh dây tại địa phương. Để có đầu ra ổn định, chị đã liên kết thành lập công ty cung ứng trái cây xuất-nhập khẩu và thành lập công ty thu mua, chế biến nông sản. Năm 2018, khi được Hội Nông dân xã hướng dẫn, chị đã đứng ra thành lập HTX Nông nghiệp và dịch vụ Hùng Thơm Gia Lai với 38 thành viên và đầu tư mua sắm trang-thiết bị, xây dựng nhà xưởng chế biến. Hiện tại, HTX liên kết với 150 hộ dân trên địa bàn các huyện Mang Yang, Đak Pơ, Kbang, Chư Prông canh tác hơn 300 ha chanh dây, trong đó, khoảng 80 ha đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Ngoài ra, HTX đã phối hợp với Công ty cổ phần Quốc tế Thông Đỏ, Công ty cổ phần Nafood và các công ty sản xuất phân bón, giống cây trồng trong nước mở các hội thảo về kỹ thuật trồng cây chanh dây, bón phân hợp lý cho các thành viên, hội viên nông dân, cam kết bảo đảm giống cây trồng và nguồn phân bón đạt chuẩn với mức bảo hiểm cho cây ra hoa đậu quả ổn định. Hiện nay, mỗi héc ta chanh dây cho năng suất 45-60 tấn, với giá bán 18-40 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, người nông dân thu về lợi nhuận 500-600 triệu đồng/năm.

Theo chị Thơm, hiểu rõ mong muốn của bà con nông dân là được hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm một cách bền vững, chị đã phát triển ý tưởng sản xuất và xây dựng thương hiệu sản phẩm chế biến từ chanh dây để vươn xa ra thị trường trong nước, quốc tế. Hợp tác xã cũng đã xây dựng được 7 mã số vùng trồng cho cây chanh dây với diện tích 126,4 ha. Hiện tại, HTX cung cấp ra thị trường các sản phẩm gồm: chanh dây tươi xuất khẩu, ruột chanh dây đông lạnh, chanh dây sấy dẻo, nước cốt chanh dây, bột chanh dây, trà Detox chanh dây sấy giòn, tinh dầu chanh dây; đồng thời, tiếp tục tìm tòi sáng tạo tận dụng lá và đọt chanh dây để chế biến thành trà với tên gọi “trà lạc tiên”. Trong đó, một số sản phẩm đạt 3-4 sao OCOP là chanh dây quả, trà sả thảo mộc, chanh dây sấy dẻo, ruột chanh dây cấp đông, tinh dầu chanh dây, tinh cốt chanh dây cô đặc. Đặc biệt, một số sản phẩm đã được xuất khẩu sang Pháp, Nga, Trung Quốc. Từ đầu năm đến nay, HTX đã xuất được 7 container chanh dây. Mỗi năm, HTX thu lợi nhuận hơn 1,5 tỷ đồng.

Sạch từ nông trại đến ly cà phê

Với phương châm “sạch từ nông trại đến ly cà phê”, gia đình chị Nguyễn Thị Thanh Xuân (tổ 3, thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh) đã canh tác gần 5 ha cà phê theo hướng hữu cơ, thu hoạch chọn lọc từng quả chín và kết hợp với chế biến để xây dựng nên thương hiệu cà phê Xuân Dương. Chị Xuân kể: Hơn 20 năm trước, chị nghỉ làm công nhân rồi gom góp tiền mua đất để trồng cà phê. Lúc đầu, chị cũng sản xuất cà phê bình thường, sử dụng phân hóa học, phun thuốc bảo vệ thực vật như mọi người. Sau đó, chị thấy việc lạm dụng phân hóa học dẫn đến chi phí cao mà năng suất không ổn định, lại ảnh hưởng đến môi trường và chất lượng cà phê. “Từ năm 2007 đến nay, tôi bắt đầu canh tác cà phê theo hướng hữu cơ, sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh. Đồng thời, trong vườn cà phê, tôi để cỏ mọc tự nhiên, đến khi cỏ mọc cao sẽ dùng máy cắt ngang cách mặt đất khoảng 10 cm. Việc này vừa giúp bảo vệ đất, giữ nước, tạo thiên địch có lợi cho cây phát triển, vừa giảm tác hại đến môi trường và bảo vệ sức khỏe con người. Cây cà phê được tôi áp dụng mô hình canh tác đa thân không hãm ngọn, không cắt cành tạo tán. Cách làm này giúp giảm nhiều công lao động mà năng suất bình quân đạt 5-5,5 tấn nhân/ha”-chị Xuân chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Thanh Xuân giới thiệu sản phẩm cà phê của gia đình đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh. Ảnh: Lê Nam

Chị Nguyễn Thị Thanh Xuân giới thiệu sản phẩm cà phê của gia đình đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh. Ảnh: Lê Nam

Sau khi có nguồn nguyên liệu sạch, gia đình chị đầu tư máy móc để chế biến cà phê theo phương pháp honey, natural. Những quả cà phê chín sau khi thu hoạch về được đưa vào bể nước vừa rửa sạch, vừa loại bỏ những quả kém chất lượng và tạp chất rồi tiến hành xay ướt để loại bỏ vỏ. Nhân cà phê đưa vào ủ cho lên men trước khi đưa ra phơi khô dưới ánh nắng tự nhiên. Trong quá trình ủ, chất đường ngấm vào nhân cà phê nhằm tạo vị ngọt. Nhân cà phê sau quá trình sơ chế vẫn còn lớp vỏ trấu cứng bên ngoài để tránh bị côn trùng và một số tác nhân làm hư hại. Khi giao hạt cà phê cho khách hàng hoặc tiến hành rang xay, chị mới xay tách vỏ trấu. Với phương pháp này, sản phẩm nhân cà phê bán ra thị trường có giá cao gấp đôi so với cách làm truyền thống.

Để xây dựng thương hiệu cũng như quảng bá sản phẩm cà phê Xuân Dương, chị đã đưa sản phẩm tham gia Chương trình OCOP. Kết quả, 2 sản phẩm là cà phê bột Xuân Dương và cà phê hạt rang Xuân Dương đều đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh. Ngoài ra, cà phê Xuân Dương còn được chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Ngoài quảng bá giới thiệu trên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội Facebook, Zalo, chị còn đưa sản phẩm tham gia các hội chợ, phiên chợ do huyện, tỉnh tổ chức. Đến nay, sản phẩm cà phê Xuân Dương đã được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến, đánh giá cao về chất lượng. “Muốn có cà phê ngon thì nguyên liệu phải sạch, chất lượng. Với 5 ha cà phê được đầu tư khép kín từ trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến, sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình tôi đạt lợi nhuận 1,6-2 tỷ đồng/năm. Năm 2020, tôi vinh dự được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc”-chị Xuân chia sẻ.

Có thể bạn quan tâm