Báo xuân

Sản phẩm OCOP cấp quốc gia: Tại sao không?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau hơn 3 năm triển khai Chương trình OCOP, Gia Lai vẫn chưa có sản phẩm OCOP đạt 5 sao (cấp quốc gia) đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng quốc tế để có thể xuất khẩu vào các thị trường khó tính trên thế giới. 

Nhiều sản phẩm tiềm năng

Bộ 3 sản phẩm hồ tiêu (tiêu đỏ hữu cơ Lệ Chí, tiêu đen hữu cơ Lệ Chí và tiêu sọ hữu cơ Lệ Chí) của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang (huyện Đak Đoa) là 3 trong số 25 sản phẩm OCOP đạt 4 sao cấp tỉnh. Theo ông Nguyễn Tấn Công-Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX, đơn vị có hơn 110 thành viên tham gia sản xuất khoảng 50 ha hồ tiêu và 150 ha cà phê. Ngay từ khi mới thành lập, HTX đã định hướng và hướng dẫn các thành viên sản xuất theo hướng nông nghiệp sạch, hữu cơ bền vững. Do vậy, HTX có rất nhiều lợi thế khi triển khai xây dựng sản phẩm OCOP và đến nay đã có 6 sản phẩm đạt 3-4 sao cấp tỉnh. Sau khi được chứng nhận OCOP, sản phẩm của HTX ngày càng được nhiều khách hàng biết đến, tạo uy tín, sự tin tưởng với người tiêu dùng và có cơ hội quảng bá, tham gia nhiều hội chợ xúc tiến thương mại lớn, góp phần xây dựng, định vị thương hiệu. Điều này được thể hiện qua doanh số bán hàng mỗi năm của HTX tăng trưởng 30-40%. Bên cạnh đó, bộ 3 sản phẩm hồ tiêu của HTX cũng đã có mặt tại một số nước trên thế giới. Mặc dù có nhiều lợi thế và đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế cũng như khẳng định được thương hiệu trên thị trường thế giới nhưng bộ 3 sản phẩm này vẫn chưa đạt được chứng nhận OCOP 5 sao.

Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang (huyện Đak Đoa) có nhiều thuận lợi để xây dựng sản phẩm OCOP quốc gia. Ảnh: N.Q

Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang (huyện Đak Đoa) có nhiều thuận lợi để xây dựng sản phẩm OCOP quốc gia. Ảnh: N.Q

Ông Nguyễn Tấn Công cho rằng: Sản phẩm OCOP cấp quốc gia có rất nhiều lợi ích cho chủ thể và cả người tiêu dùng. Đặc biệt, đạt được OCOP 5 sao là cơ hội lớn để HTX quảng bá tiềm năng, hỗ trợ hoạt động xuất khẩu, đưa sản phẩm tiếp cận với các thị trường lớn. Chính vì vậy, chủ thể nào cũng muốn sản phẩm của mình lên 5 sao để được hỗ trợ đi các thị trường xa hơn, có giá bán tốt hơn cho người nông dân, thành viên HTX. “Mình muốn làm sản phẩm tốt, đạt được 5 sao để hướng đến thị trường xuất khẩu thì đòi hỏi có những con người hiểu biết về xuất-nhập khẩu, quy trình sản xuất, nguồn hàng phải đủ nhiều, đồng đều về chất lượng. Đặc biệt, phải đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, nhất là chứng nhận hệ thống quản lý an toàn thực phẩm theo HACCP/ISO 22000 nhằm đáp ứng yêu cầu của khách hàng và đối tác, tạo sự tin tưởng cho người tiêu dùng. Trong năm 2023, chúng tôi quyết tâm hoàn thành chứng nhận này nhằm đưa bộ 3 sản phẩm hồ tiêu và sản phẩm cà phê Đak Yang trở thành sản phẩm OCOP cấp quốc gia”-Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang cho hay.

Bộ 3 sản phẩm gạo J02, LH12, TBR225 đạt chứng nhận OCOP 4 sao cấp tỉnh của HTX Nông nghiệp Chư A Thai (xã Ia Ake, huyện Phú Thiện) cũng được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn. Theo ông Phạm Ngọc Nghĩa-Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX, các sản phẩm của HTX sản xuất trên cánh đồng một giống và áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP từ khâu làm đất, chọn giống, bón phân, phun thuốc đến thu hoạch, chế biến, bảo quản rất nghiêm ngặt. Mỗi năm, HTX tiêu thụ khoảng 400 tấn gạo. Tuy nhiên, bộ 3 sản phẩm gạo của HTX vẫn còn thiếu một số tiêu chí để trở thành sản phẩm OCOP 5 sao nhằm vươn ra thị trường thế giới.

Các sản phẩm gạo của HTX Nông nghiệp Chư A Thai đạt 4 sao cấp tỉnh và được thị trường rất ưa chuộng. Ảnh: N.Q

Các sản phẩm gạo của HTX Nông nghiệp Chư A Thai đạt 4 sao cấp tỉnh và được thị trường rất ưa chuộng. Ảnh: N.Q

Giám đốc HTX Nông nghiệp Chư A Thai cho biết: “Một trong những khó khăn lớn nhất của chúng tôi là hoàn thiện tiêu chí sản xuất theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (GlobalGAP). Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu cũng như vận động, hướng dẫn các hộ dân, thành viên HTX sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Đồng thời, HTX sẽ tiếp tục hoàn thiện hồ sơ đăng ký tham gia phân hạng OCOP cho bộ 3 sản phẩm này. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong muốn các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ HTX về mặt hồ sơ, pháp lý để đủ điều kiện tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP quốc gia. Qua đó, giúp các sản phẩm của HTX vươn xa ra các thị trường quốc tế, từng bước xây dựng và khẳng định thương hiệu Gạo Phú Thiện”.

Chú trọng nâng hạng cho sản phẩm OCOP

Trong quá trình triển khai Chương trình OCOP, Sở Nông nghiệp và PTNT đã lựa chọn và định hướng một số sản phẩm để nâng cấp, phát triển, hoàn thiện tiêu chuẩn sản phẩm OCOP cấp quốc gia như: bộ 3 sản phẩm hồ tiêu, cà phê Đak Yang của HTX Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang; bộ 3 sản phẩm gạo của HTX Nông nghiệp Chư A Thai; các sản phẩm cà phê Thùy Dung của Công ty TNHH một thành viên Thùy Dung Gia Lai… Mục tiêu là phát triển các sản phẩm này trở thành sản phẩm OCOP chủ lực cấp tỉnh (5 sao hoặc tiệm cận 5 sao) theo hướng đáp ứng về số lượng, gia tăng về giá trị, đảm bảo tiêu chuẩn cao của Việt Nam và từng bước chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ xuất khẩu.

Hợp tác xã Nông nghiệp Chư A Thai (huyện Phú Thiện) có vùng nguyên liệu rộng lớn và ổn định, rất thuận lợi để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Ảnh: Huyền Tỷ

Hợp tác xã Nông nghiệp Chư A Thai (huyện Phú Thiện) có vùng nguyên liệu rộng lớn và ổn định, rất thuận lợi để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Ảnh: Huyền Tỷ

Ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa-cho biết: Huyện đã có 25 sản phẩm OCOP, trong đó, 5 sản phẩm đạt 4 sao và 20 sản phẩm đạt 3 sao. “Trong giai đoạn 2023-2025, huyện sẽ tập trung hỗ trợ xây dựng ít nhất 1 sản phẩm đạt OCOP 5 sao nhằm đưa sản phẩm đặc trưng của địa phương tiếp cận thị trường quốc tế. Chúng tôi đang tập trung rà soát, hỗ trợ các sản phẩm OCOP của HTX Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang khắc phục, hoàn thiện các tiêu chí của bộ tiêu chí OCOP quốc gia”-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện thông tin thêm.

Về vấn đề nâng hạng sản phẩm OCOP, ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho hay: Hạng sao của sản phẩm OCOP là thước đo về chất lượng, sức cạnh tranh trên thị trường cũng như có thể vươn ra các thị trường lớn trên thế giới. Do đó, bên cạnh hỗ trợ các chủ thể phát triển sản phẩm OCOP thì tỉnh cũng rất quan tâm hỗ trợ cho chủ thể nâng hạng lên 4 sao, 5 sao. Để đạt được sản phẩm 5 sao, ngoài việc bảo đảm các quy định chung của bộ tiêu chí, cần đáp ứng được các điều kiện về tiêu chuẩn tiên tiến quốc tế, có quy mô sản xuất lớn, vấn đề liên kết chuỗi giá trị, truy xuất nguồn gốc, truy xuất mã số vùng trồng...

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết thêm: “Thời gian tới, bên cạnh phát triển sản phẩm mới, tỉnh chú trọng nâng cấp, nâng hạng các sản phẩm OCOP. Theo đó, chúng tôi đang mời các đơn vị tư vấn có uy tín và kinh nghiệm trực tiếp hướng dẫn cho chủ thể khắc phục các tiêu chí còn thiếu cũng như hoàn thiện hồ sơ, nâng cấp sản phẩm đủ điều kiện tham gia đánh giá cấp quốc gia. Trong đó, tập trung hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện sản phẩm, đổi mới công nghệ, quy trình kỹ thuật, quản lý chất lượng, hoàn thiện bao bì, nhãn mác theo quy định, phù hợp nhu cầu thị trường. Đồng thời, hỗ trợ các chủ thể chuẩn hóa các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng tiên tiến như: ISO, HACCP, xúc tiến thương mại quốc tế...”.

NGUYỄN QUANG

Có thể bạn quan tâm