Báo xuân

Thanh toán không dùng tiền mặt Xu hướng tất yếu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đến nay, giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt đã trở thành xu hướng tất yếu bởi tiện ích mang lại. Không chỉ thay đổi nhận thức, thói quen chi tiêu của người dân, hình thức thanh toán này còn góp phần giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh và giao dịch.

Từ thay đổi thói quen...

Kể từ sau đại dịch Covid-19, thay vì thanh toán bằng tiền mặt, nhiều người đã chuyển dịch sang nhiều hình thức tiện dụng hơn như: sử dụng ATM, thẻ tín dụng, ví điện tử… Không dừng lại ở đó, hiện nay, khách hàng còn có thể thực hiện tất cả các giao dịch thanh toán trong vài giây chỉ với một cú chạm trên các ứng dụng ngân hàng số qua mã QR.

Mã QR được anh Nguyễn Anh Tuấn (tổ 5, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) niêm yết công khai tại quán cà phê để khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt. Ảnh: H.T

Mã QR được anh Nguyễn Anh Tuấn (tổ 5, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) niêm yết công khai tại quán cà phê để khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt. Ảnh: H.T

Quản lý 2 quán cà phê, 1 homestay và chuỗi cửa hàng thời trang tương đối đông khách tại TP. Pleiku, anh Nguyễn Anh Tuấn (tổ 5, phường Hoa Lư) quyết định tạo mã QR khi dịch vụ VietQR ra mắt. Mã được anh niêm yết công khai tại các điểm kinh doanh, khách hàng sau khi uống cà phê, mua sắm hoặc sử dụng dịch vụ chỉ cần dùng điện thoại thông minh quét mã là hoàn tất thanh toán. “Càng có nhiều khách hàng thanh toán bằng hình thức không dùng tiền mặt thì những người kinh doanh càng phấn khởi. Hàng ngày, nhân viên không phải chuẩn bị tiền lẻ để thối lại cho khách; không quá bận tâm vào việc bảo quản, kiểm soát lượng tiền mặt thu về. Tôi cũng dễ dàng thống kê doanh thu hàng ngày mà chẳng phải mất thời gian kiểm đếm rồi đem đến ngân hàng gửi vào tài khoản”-anh Tuấn cho hay.

Tại quầy thanh toán của Siêu thị Co.op Mart Pleiku, theo quan sát của P.V, khách hàng sử dụng dịch vụ quẹt thẻ qua máy POS để trả tiền mua sắm tương đối phổ biến. Chị Nguyễn Thị Thu Hiền (thôn 6, thị trấn Chư Prông) chia sẻ: “Từ ngày có tài khoản ngân hàng, tôi bắt đầu thanh toán bằng thẻ khi đi mua sắm tại các siêu thị, cửa hàng lớn hoặc chuyển khoản qua ứng dụng SmartBanking trên điện thoại nếu mua hàng online. Tôi thấy khá tiện lợi vì thao tác nhanh chóng, chính xác; hơn nữa, bản thân cũng tránh được các rủi ro khi phải mang theo nhiều tiền mặt bên người”.

Tương tự, sau một thời gian dài thực hiện phương thức thanh toán truyền thống bằng tiền mặt và nhận ra sự bất tiện của nó, ông Nguyễn Văn Thắng (tổ 12, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) đã quyết định đến ngân hàng để đăng ký sử dụng dịch vụ SmartBanking. Gia đình ông Thắng chăn nuôi gà lấy trứng và heo thịt theo quy mô trang trại nên thường xuyên giao dịch với thương lái, đơn vị cung ứng thức ăn gia súc, gia cầm. “Lúc trước, tôi quen nhận tiền mặt từ thương lái khi bán hàng, còn lúc trả tiền cho công ty cung ứng thức ăn chăn nuôi thì lại phải mất thời gian đem ra ngân hàng để gửi chuyển cho họ. Vừa rồi, thấy nhiều người sử dụng dịch vụ SmartBanking trên điện thoại rất tiện lợi, nhanh chóng nên tôi đã ra ngân hàng đăng ký. Cách đăng nhập và thực hiện thao tác như chuyển tiền, thanh toán cũng không quá khó”-ông Thắng tâm sự.

Năm 2022, BIDV Gia Lai đã phát triển mới 11.500 khách hàng sử dụng SmartBanking. Ảnh: H.T

Năm 2022, BIDV Gia Lai đã phát triển mới 11.500 khách hàng sử dụng SmartBanking. Ảnh: H.T

...đến đồng lòng tạo xu hướng

Ngày 1-3-2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 350/KH-UBND triển khai thực hiện Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28-10-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Nhiều giải pháp đã được đưa ra nhằm mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt 20-25%/năm; tỷ lệ cá nhân, tổ chức thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh thanh toán điện tử đạt 40%.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ và kế hoạch của UBND tỉnh về đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, BIDV Gia Lai đã không ngừng cải thiện chất lượng, phát triển các dịch vụ ngân hàng hiện đại. Theo Giám đốc Chi nhánh Trần Văn Chương, đơn vị đang triển khai hiệu quả 2 sản phẩm số là Ibank và SmartBanking. Trong đó, Ibank dành cho khách hàng tổ chức, giúp xử lý giao dịch tài chính cũng như luân chuyển hồ sơ mang ý nghĩa quan trọng; còn SmartBanking dành riêng cho khách hàng cá nhân với nhiều tính năng hữu ích như: tặng quà đến nhiều người nhận tại cùng một giao dịch; liên kết ví điện tử dành cho khách hàng ở gói hạn mức Ekyc để thực hiện các giao dịch nộp-rút ví; tiền gửi tích lũy online; đặt hoa, vé máy bay, giao hàng…

Tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt tại Siêu thị Co.op Mart Pleiku đã tăng trưởng 40% trong năm 2022. Ảnh: H.T

Tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt tại Siêu thị Co.op Mart Pleiku đã tăng trưởng 40% trong năm 2022. Ảnh: H.T

Để khuyến khích khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt, từ ngày 1-1-2022, toàn bộ giao dịch trên BIDV SmartBanking đều được miễn phí. Ngoài ra, Chi nhánh còn tư vấn tiếp thị phát triển các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt như: phối hợp các trường học triển khai thu hộ học phí; phối hợp Kho bạc Nhà nước thu hộ ngân sách nhà nước; phối hợp Chi cục Thuế triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử. Đặc biệt, đẩy mạnh tổ chức “Gian hàng thanh toán QR 1K” tại các sự kiện văn hóa, thể thao, quán cà phê, các khu phố, chợ, trường học, trung tâm thương mại trên địa bàn TP. Pleiku nhằm phát triển khách hàng mới, bán chéo sản phẩm dịch vụ BIDV để khách hàng trải nghiệm, làm quen hình thức thanh toán qua mã QR; đổi mới hoạt động truyền thông quảng bá, quà tặng ấn phẩm…

“Năm 2022, Chi nhánh đã phát triển 170 khách hàng tổ chức đăng ký sử dụng dịch vụ Ibank, lũy kế có 460 khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ, chiếm 33% nền khách hàng tại Chi nhánh; phát triển 11.500 khách hàng sử dụng SmartBanking, tăng 67% so với số phát triển mới của năm 2021, lũy kế có hơn 82.000 khách hàng sử dụng hình thức giao dịch điện tử, tăng trưởng 15% so với năm trước. Số lượng giao dịch trên các kênh điện tử tăng 75%, số lượng giao dịch tại quầy giảm 44% so với năm trước. Tất cả các giao dịch, thông tin cá nhân của khách hàng đều được ngân hàng bảo mật, đảm bảo an toàn”-ông Chương thông tin thêm.

Còn bà Châu Hoàng Thy-Phó Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Pleiku thì cho hay: “Nếu như trước đây, tỷ lệ khách hàng thanh toán bằng tiền mặt khi mua sắm tại Siêu thị khá lớn thì hiện nay chỉ còn khoảng 60%; tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt đã tăng trưởng 40%. Chúng tôi đã trang bị đầy đủ hệ thống máy POS tại 24 quầy thu ngân để khách thanh toán bằng thẻ; đồng thời, chấp nhận thanh toán bằng chuyển khoản hoặc qua ví điện tử Momo… Đầu tháng 12 vừa qua, Saigon Co.op và VNPAY cũng đã chính thức hợp tác nhằm hoàn thiện trải nghiệm cho người tiêu dùng trong thanh toán số”.

Triển khai kế hoạch của UBND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã chỉ đạo các cơ sở đào tạo, trường học phối hợp với các ngân hàng thương mại trên địa bàn đẩy mạnh phát triển hình thức thẻ học đường để thu học phí, dịch vụ và các khoản chi tiêu công bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Cô Lê Thị Thu-Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hùng Vương-cho biết: Ngay từ đầu năm học 2022-2023, nhà trường đã tiến hành mở tài khoản tiền gửi tại Agribank để thực hiện thí điểm thu học phí qua tài khoản; đồng thời, hướng dẫn việc thu các khoản không dùng tiền mặt đến từng lớp, giáo viên chủ nhiệm và học sinh. Hiện nhà trường đang thu học phí từ phụ huynh, học sinh thông qua chuyển khoản hoặc ứng dụng SmartBanking; không thu trực tiếp tiền mặt. Đến nay, trên 90% học sinh đã nộp học phí (theo tháng) bằng hình thức này.

Với những lợi ích thiết thực, thanh toán không dùng tiền mặt chính là xu hướng phát triển tất yếu trong thời đại 4.0. Hình thức này được kỳ vọng sẽ hiện diện không chỉ tại các hệ thống phân phối bán lẻ lớn, trung tâm thương mại mà tiến xa hơn là ở cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ, chợ truyền thống…

Có thể bạn quan tâm