Báo xuân

Về với bến thuyền Ayun

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm nay, có lẽ, mùa gặt ở vùng Đông Bắc huyện Chư Sê đến sớm hơn. Trên con đường từ xã Dun đến Kông Htok rẽ về xã Ayun, nhà nào cũng phơi đầy rơm rạ, xe công nông đang chở những bó lúa mới gặt về làng, hương lúa mới nồng nàn. Đứng trên đèo Tung Ke (còn gọi là đèo Ayun), rừng khộp mùa này còn xanh lá, tôi nhìn về thung lũng phía Đông tắm trong ánh nắng vàng nhạt của mùa khô Tây Nguyên buổi sớm mai, xa xa lô nhô những buôn làng hiện lên một cách sống động, cùng cánh đồng trơ gốc rạ tạo nên khung cảnh êm ả, thanh bình.

Con đường từ ngã ba Kông Htok về đến làng cuối ven hồ Ayun (làng D’Lâm) khá gập ghềnh, khó đi. Tôi ghé thăm Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Lê Lợi (xã Ayun), gặp quý thầy-cô giáo ở đây để tìm hiểu thêm về địa hình và đời sống người dân bản địa. Qua chiếc cầu treo hiện đại bắc qua sông Ayun, nước đỏ quạch màu phù sa đầu nguồn để đến làng Amil và D’Lâm. Từ đây, tôi mới hình dung được, ở vùng ngã ba thị xã Ayun Pa, nơi hội tụ của 2 dòng nước (Ia Pa và Ia Ayun) bên đục bên trong hòa vào nhau thành dòng sông Ba mang nặng phù sa đổ về phía hạ nguồn. Người dân địa phương thường ví dòng Ayun nơi đây như con trăn khổng lồ, khi hiền lành, lững lờ, yên ả, nhưng đến mùa mưa lũ, nó quẫy đạp khiến núi lở, đất trồi, nước sông cuồn cuộn dâng cao cuốn phăng tất cả nhà cửa, trâu bò…

Trong những năm tháng kháng chiến chống ngoại xâm, người Jrai, Bahnar nơi đây đã anh dũng đứng lên chống kẻ thù chung, bảo vệ phong trào cách mạng. Sau ngày thống nhất đất nước, khi xã Ayun được thành lập (năm 1994), người dân nơi đây vẫn còn gian khổ, thiếu ăn với trên 70% hộ nghèo, do khí hậu khắc nghiệt, thiếu nước sản xuất, đất đai khô cằn, trẻ em thất học. Đến khi sông Ayun được ngăn dòng để hình thành công trình đại thủy nông Ayun Hạ, vùng lòng hồ trải rộng hàng chục ki lô mét vuông, trong đó có vùng ngập xã Ayun trở thành hồ nước đầu nguồn với tiềm năng thủy sản giàu có đem lại cho cư dân địa phương một nguồn lợi tự nhiên khá phong phú. Và, nghề đánh bắt thủy sản trên hồ Ayun dần trở thành nghề chính của bà con Jrai, Bahnar sống ven hồ. Năm 2010, ghi nhận những đóng góp to lớn của địa phương trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Chủ tịch nước đã trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho chính quyền và Nhân dân xã Ayun.

Bến thuyền Ayun. Ảnh: Hùng Hoa Lư

Bến thuyền Ayun. Ảnh: Hùng Hoa Lư

Sáng sớm hôm ấy, tôi lang thang về bến thuyền Ayun khi mặt trời đã lên khỏi con sào. Trước mắt tôi, một bến thuyền thoáng rộng với hàng trăm chiếc ghe nhỏ cùng kích cỡ đang phơi mình trong nắng. Có nhiều chiếc ghe còn neo đậu trong bãi cạn, có những con thuyền đã được kéo lên bờ. Nhìn cảnh vật, bất giác tôi nhớ đến câu thơ rất gợi trong bài “Quê hương” của nhà thơ Tế Hanh: “Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm/Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ”. Tất nhiên, đây không phải là biển mà là hồ nước ngọt trên núi và ngư dân là những chàng trai của núi rừng. Ngoài kia, mặt hồ mênh mông nước, xa xa, những dãy núi xanh ngắt một màu; gần hơn có nhiều cồn đảo nổi đẹp như bức tranh sơn thủy hữu tình. Tôi nhìn đồng hồ, mới chỉ hơn 9 giờ, mặt trời đã bắt đầu như lò than hồng hun nóng. Một con thuyền đã cập bến sau một đêm đánh bắt trên hồ. Một ngư dân cho tôi biết, cá được đánh bắt vùng lòng hồ Ayun chủ yếu là cá mè, trắm, thác lác, chép và cá lóc.

Lòng hồ Ayun (xã Ayun, huyện Chư Sê). Ảnh: Phạm Quý

Lòng hồ Ayun (xã Ayun, huyện Chư Sê). Ảnh: Phạm Quý

Những ngư dân mới vào nghề của các làng: D’Lâm, Amil, Achông… vài năm trước đây đã được Nhà nước hỗ trợ một chiếc thuyền nhỏ và một tay lưới để đánh bắt cá trên hồ nhằm cải thiện bữa ăn và có thêm thu nhập hàng ngày. Gặp anh Rơchom Hek đang phơi tay lưới trước nhà, anh tâm sự: “Ngày nào, mình cũng phải dậy sớm, khi con gà gáy lần đầu là mang lưới ra bến chèo thuyền đi trong đêm. Những người khác cũng vậy, mỗi người chèo đi một hướng và chọn vị trí để giăng lưới. Đợi đến khi trời hửng sáng thì bắt đầu thu lưới. Ngày nào may mắn thì được 3-5 kg cá đủ loại; ăn không hết thì bán lại cho tiểu thương. Khi có thuyền, ngày nào mình cũng thích đi hồ, vừa mát mẻ vừa có cá ăn…Vui lắm!”. Còn vợ chồng Ksor Lin tôi gặp tình cờ ở bến thuyền khi chở đứa con trai từ lòng hồ trở về. Trên thuyền của anh chị không có cá mà chỉ chở về vài bó lúa mới gặt. Anh cho biết, vợ chồng vừa đi gặt lúa ở bên cồn đảo ngoài kia. Ngày trước, cha mẹ nghèo lắm, làm lụng vất vả mà không đủ ăn. Giờ có chiếc ghe Nhà nước giúp nên có thể đi vỡ ruộng ở xa và đi đánh cá nên không còn lo đói nữa.

Cái nắng gay gắt vây quanh bến thuyền. Trở lại làng D’Lâm, tôi đứng hóng mát dưới bóng cây rừng còn sót lại, hàng trăm con chim chích ríu rít đang làm tổ trên cành. Thật đúng là đất lành chim đậu. Tôi chợt nghĩ, nếu mai đây, con đường về bến thuyền Ayun được bê tông hóa thuận tiện cho mọi phương tiện đi lại thì du khách bốn phương sẽ thích được trải nghiệm đi thuyền trên mặt hồ đầu nguồn Ayun và cùng dân làng đi đánh cá đêm bên những ốc đảo cuộn mình cùng sông nước mênh mang.

Có thể bạn quan tâm