Vị Tết phương Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mỗi không gian, mỗi khoảnh khắc thời gian luôn mang đến cho ta cảm nhận riêng biệt về sắc và vị. Với mỗi người dân Việt, không có gì đặc trưng, đáng nhớ và thân thương hơn vị Tết quê nhà. Ở vùng Tây Nam bộ, những ngày này, mùa Xuân cũng đến rỡ ràng với bao cảm xúc bồi hồi khó lẫn.

1. Khác hẳn với thời tiết lành lạnh cao nguyên, một vùng đặc trưng của xứ sở phương Nam chan hòa trong màu nắng ấm. Bao quanh tầm mắt là khung cảnh chỉ có ở Tây Nam bộ: những bóng dừa cao vút hàng nối hàng, rặng dừa nước rậm rì duyên dáng soi mình xuống dòng kênh xanh, thuyền ghe xuôi ngược một miền sông nước mênh mông... Một thiên nhiên quá đỗi chân tình và khoáng đạt, như chính con người nơi đây.

Mai vàng rực rỡ khoe sắc trước mỗi ngôi nhà ở miền Tây Nam bộ. Ảnh: Phương Duyên

Mai vàng rực rỡ khoe sắc trước mỗi ngôi nhà ở miền Tây Nam bộ. Ảnh: Phương Duyên

Hơi xuân đến thổi bùng lên sức sống trong những cành mai khẳng khiu. Chỉ chờ có vậy, từng cánh hoa vàng tươi bừng nở, như chợt tỉnh, như đền đáp sau những biếng lười. Hầu như gia đình nào cũng có ít nhất một lão mai cành nhánh sum suê rực rỡ trước ngõ, có nhà thêm một hàng chạy dọc tô điểm bên hiên làm nức lòng gia chủ, mãn nhãn khách phương xa. Mai chẳng chê giàu nghèo, dù là nhà xây kiên cố hay nhà lợp tạm bằng lá dừa khô thì mai đều sẵn lòng tôn lên vẻ đẹp riêng có, khỏa lấp những lo lắng cơm áo ngày thường. Đâu đâu cũng rực lên một màu hoa thương nhớ kéo thành vệt dài vun vút qua cửa xe. Có thể nói, mai vàng chính là tâm hồn của xứ sở phương Nam.

2. Xuân ở vùng đất này cũng mang đến bao trải nghiệm thú vị về ẩm thực. Thế nên, bao người con xa nhà chỉ mong được một lần trở về để bồi hồi bước vào chái bếp thơm nồng mùi khói quê. Nhắc tới ẩm thực Tây Nam bộ ngày Tết, không thể không kể đến món thịt kho nước dừa. Chỉ cần nhìn qua nồi thịt kho tàu là biết nhà đông hay ít người; có nhà nấu đến vài ký thịt ba chỉ kèm thêm sơ sơ chừng... trăm quả hột vịt. Ăn kèm món này không thể thiếu lá me non, xoài non, rau đắng nhằm lấy vị chua thanh, đắng nhẹ cân bằng với vị béo ngậy của thịt kho.

Thịt kho nước dừa-thức món đặc trưng ngày Tết. Ảnh: Phương Duyên

Thịt kho nước dừa-thức món đặc trưng ngày Tết. Ảnh: Phương Duyên

Về miền Tây sông nước, thú vị hơn nữa là được thưởng thức mắm kho cá linh ăn với bông núc nác, điên điển hoặc đọt súng, kèo nèo... Đủ cả sắc lẫn vị. Tất cả đặc trưng vùng miền dồn hết lại chỉ trong một thức món, bảo sao không thương, không nhớ. Sẵn tôm cá nên vùng đất này còn có thêm một món nữa hết sức dân dã mà rất đưa cơm, đó là cá bống sao, lòng tong kho nước mắm, tiêu, ớt, chỉ thử một lần là nhớ mãi.

Lướt qua các trang mạng những ngày này, ngoài những chỉ dẫn về việc ăn Tết, chơi Tết như thế nào còn có nhiều khuyến cáo về việc ăn uống ra sao để đảm bảo sức khỏe, khỏi lên cân. Chợt nghĩ, hình như ta đã gò ép đến mức hơi quá đà trong việc kiêng kem. Một lần về với quê hương, cứ thử ăn uống thoải mái, “ngược đãi” bản thân xem sao. Chẳng phải được thưởng thức đầy đủ vị ngon ngày Tết cũng là hạnh phúc?

3. Mùa xuân ở phương Nam đang độ chín. Nằm đung đưa trên võng nghe câu cải lương, vọng cổ từ xa vọng tới, chợt thấy ngấm vào tâm tưởng mạch nguồn xứ sở. Ừ thì loa kẹo kéo với nhạc nhẽo xập xình cũng có ồn ào đôi chút, nhưng không ai thấy bị làm phiền.

Người miền Tây mê ca hát. Ai ai cũng thích thú với những câu hát ngọt như nước dừa: “Miền Tây ơi vựa lúa Việt Nam hai mùa mưa nắng/Miền Tây ơi sông nước Cửu Long chín nhánh phù sa/Đất lành khắp chốn nở hoa/Vun bồi mạch sống mượt mà môi em (...)/Ai đi miền xa nhớ về quê nhà/Thăm con đường xưa bến cũ miền Tây/Tiếng cười giọng nói trong có tình thân thương/Câu hò câu hát nghe dạt dào quê hương” (lời ca khúc “Về miền Tây”-Tô Thanh Tùng). Rồi những “Dạ cổ hoài lang”, “Bài ca đất phương Nam”, “Điệu buồn phương Nam”, “Lá trầu xanh”... càng làm sắc xuân thêm ngọt ngào, sâu lắng. Cứ vậy, tâm hồn như được tưới tắm trong bao kỷ niệm êm đềm của quê xứ.

Mùa đoàn viên rực rỡ ở vùng đất phương Nam. Ảnh: Phương Duyên

Mùa đoàn viên rực rỡ ở vùng đất phương Nam. Ảnh: Phương Duyên

Trong bao câu chuyện, hỏi han chân tình ngày xuân, người ta cũng không quên nhắc lại những ngày đất phương Nam nói chung, miền Tây Nam bộ nói riêng khủng hoảng và đớn đau vì đại dịch Covid-19. Có những cuộc chia ly vĩnh viễn. Có những bài học đơn sơ về hạnh phúc và giá trị sống. Covid-19 bây giờ vẫn rập rình nhưng đã được kiểm soát phần nào, mang đến một cái Tết sum vầy mà vẫn đảm bảm an toàn. Chợt nước mắt rưng rưng. Chợt thấy thêm thương, thêm quý biết bao một mùa đoàn viên...

Có thể bạn quan tâm