Báo xuân

Nàng tiên xứ mộc hoa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chiếc xe khách thả tôi xuống đỉnh đèo. Trời chiều. Gió lộng. Thảm lá rừng rờn bay trong sương. Mắt dõi theo con đường uốn lượn, tôi cố tìm lối xưa. Nhưng bất lực.

Hai mươi năm trước, tôi đã đến nơi này, khi con đường mới đang thi công. Ý định là sẽ đi hết tuyến đường 14 nối Tây Nguyên với duyên hải miền Trung nên suốt một ngày trời, tôi đã nhảy lên mọi phương tiện, từ xe ben chở đá, rồi máy xúc, thậm chí là cả… xe bò, để tiến từng đoạn một. Nhưng rồi, một trận mưa khủng khiếp trút xuống, một mỏm núi đổ ụp chắn đường.

Đêm đó, tôi nằm trong lán của những người thợ cầu đường, nghe mưa dội xuống mái tôn mà sốt ruột. Khoảng 10 giờ đêm, mưa tạnh. Trăng rừng lên, thanh sạch vô ngần. Tôi muốn ra ngoài nhưng anh kỹ sư đội trưởng ngăn lại, bảo mưa xong đất đá trên núi hay sạt lở. Với lại, khu vực này nhiều gấu, những đêm thế này, chúng rất thích mò ra đường chơi trăng.

Sáng hôm sau, tôi dậy sớm. Mây núi cuồn cuộn đùn. Trong mây trắng bồng bềnh bỗng có tiếng cười nói trong veo, rồi bóng những tiên núi trong xiêm y thổ cẩm hiện ra. Mỗi nàng mang trên lưng một gùi hoa. Những bông hoa lớn màu nâu nở xòe đung đưa, đung đưa theo nhịp bước.

Tôi dụi mắt mấy lần, ngẩn người ngỡ mình mơ. Rồi như có một hấp lực kỳ lạ hút tôi đi theo. Xuống tới chân núi thì mây vừa tan, đủ để thấy dáng hình sơn nữ. Và những đóa hoa lớn màu nâu trên lưng họ là những khúc gỗ dẻ được nêm cho nứt ra thành hình hoa dã quỳ. Các sơn nữ nhanh chóng tỏa ra theo những lối mòn, rồi mất hút vào cây lá. Tôi đứng ngây người rồi vội vàng ruổi theo bóng một sơn nữ thấp thoáng xa xa. Và tôi đã lạc. Lạc vào ngôi làng có bạt ngàn hoa củi. “Xứ mộc hoa!”.

Tôi thốt lên, mắt vẫn không rời bóng nàng. Nàng đi vào ngôi nhà gần bìa rừng. Chiếc gùi hoa nhẹ nhàng tuột khỏi lưng. Động tác hạ gùi mềm mại mà dứt khoát, đẹp như một vũ điệu. Tôi vội vàng bấm máy. Tiếng cửa trập máy ảnh khiến nàng giật mình. Nàng ngỡ ngàng chớp mắt nhìn tôi bằng đôi mắt nâu to. Vẻ đẹp bản nhiên thánh thiện của nàng khiến tôi lập bập: “Em tên gì?”. Nàng bối rối thu hai tay trước ngực, đáp nhỏ bằng tiếng Kinh lơ lớ: “Mừn... Y Sa”. “Y Sa có chồng chưa?”. “Y Sa... chưa bắt được ai đâu!”. “Y Sa bao nhiêu tuổi?”. “Y Sa... 2 tuổi rồi đấy!”. Thấy tôi tròn mắt ngạc nhiên, nàng khẽ cười: “Một tuổi của người Jẻ Triêng bằng 13 tuổi của người Kinh mà!”. Vậy là, nàng đã 26 tuổi.

Nàng vội vàng xếp lại đống củi. Tôi gặng hỏi mãi nàng mới kể. Theo tục của người Jẻ Triêng, khi tới tuổi lấy vợ, người con trai sẽ vào rừng bẫy thú về treo trên đầu vách nhà rông. Nhìn vào số đầu thú biết chàng trai có tài săn bắn đến đâu, có đủ sức làm chồng làm cha, đủ sức chiến đấu bảo vệ buôn làng hay không. Còn các cô gái khi đến tuổi bắt chồng thì vào rừng chặt 100 bó củi gùi về. Nhìn vào những bó củi người ta biết cô gái ấy có khéo léo đảm đang, có đủ sức dẻo dai để làm vợ làm mẹ, để trỉa lúa, trồng bông, dệt vải hay không. Trưng bày củi chính là cách khoe phẩm hạnh kín đáo của các cô gái Jẻ Triêng. Củi cũng là món hồi môn để các cô gái mang theo về nhà chồng.

Minh họa: Huyền Trang

“Y Sa chặt củi lâu chưa?”. “Từ năm Y Sa 1 tuổi”. Câu nói của nàng chất chứa nỗi buồn. Ngôi làng nhỏ quá, chỉ có mấy chục ngôi nhà. Y Sa muốn, nhưng không chàng trai nào chịu để cho Y Sa bắt. Vì bố mẹ Y Sa đã mất, nàng chỉ ở một mình. Những mùa rẫy qua đi, gái trai đã vào cặp hết, Y Sa chỉ còn biết lặng lẽ chờ. “Củi của Y Sa nó già rồi đấy”. Câu nói đầy nỗi niềm khiến tim tôi rung lên những nhịp xa xót. Tôi giơ máy bấm liên tục. Tôi muốn có một bộ ảnh độc đáo về nàng tiên núi xứ mộc hoa. “Thế Y Sa có được thấy ảnh không?”-nàng buột hỏi. “Có, có chứ. Tôi sẽ mang ảnh cho Y Sa”. “Thật không?”. “Thật!”. “Thề đi!”. “Thề!”. Nàng nghiêng đầu, mở to mắt nhìn tôi không chớp. Ánh nhìn biếc xanh màu lá: “Y Sa sẽ đợi...”.

Vậy mà đã 20 năm rồi. Những bức ảnh tôi chụp Y Sa đứng bên đống củi bắt chồng đã được in trên rất nhiều tờ báo, nhưng nàng thì chưa một lần được ngắm. Tôi đã quên không hỏi tên ngôi làng nên không thể gửi ảnh qua đường bưu điện. Sự vô tình này khiến tôi luôn mang cảm giác mắc nợ.

Trời sẩm tối. Tôi bỗng vụt ra một ý tưởng. Thuê vội chiếc xe máy của chủ quán ăn bên đường, tôi phóng vào đồn biên phòng gần nhất. Tôi là nhà văn quân đội, đến bất cứ đơn vị nào cũng như về nhà. Ngay trong bữa rượu đêm rừng biên tái, anh đồn trưởng đã cho gọi A Tình-Đội trưởng Đội Công tác địa bàn, một người Jẻ Triêng lên giao nhiệm vụ. Sau khi xem những bức ảnh của Y Sa, A Tình gật đầu chắc nịch: “Sẽ tìm được thôi”.

Sáng hôm sau, A Tình chở tôi về nhà. Thấy chồng, vợ A Tình vừa mừng vừa ngạc nhiên. A Tình giọng nghiêm trang: “Không phải về chơi đâu. Về làm nhiệm vụ khó lắm đấy”. Nói rồi, A Tình giới thiệu vợ anh, Y Mốt, và nói ý định của tôi. Tôi đưa những tấm ảnh. Y Mốt cầm xem một hồi rồi khẳng định: “Em chưa gặp người này”. “Vợ cố nhớ lại đi...”-A Tình nài. Y Mốt nhìn chồng, rồi quay ra nhìn tôi, ánh mắt dò hỏi: “Anh là người yêu của người trong ảnh à?”. Tôi bối rối, ấp úng giãi bày. Y Mốt bất ngờ buông một câu cảm thán: “Thương thế!”.

Sau một hồi im lặng, giọng A Tình thoắt trở nên quả quyết: “Các làng người Jẻ Triêng ngày xưa đã về các làng định cư rồi. Bây giờ chúng mình sẽ mang ảnh đi từng làng hỏi”. Vậy là, chúng tôi đi cả ngày trời khắp mấy ngôi làng dưới chân dãy Ngọc Linh. Những tấm ảnh chụp Y Sa ngày xưa chúng tôi chìa ra thường nhận được những cái lắc đầu: “Làng mình không có người này đâu”.

Mệt mỏi và thất vọng, chúng tôi trở lại quán ăn ven đường. Ông chủ quán tưởng tôi trả xe máy, nói xẵng một câu: “Cứ để đấy”. Nhưng khi nghe tôi nói chưa xong việc, ông bỗng tò mò hỏi lại: “Việc gì mà 2 ngày chưa xong?”. Tôi liền chìa những tấm ảnh, hỏi về Y Sa. “Y Sa… Y Sa à? Tôi… có biết. Con bé đó rất đẹp!”. Tim rộn lên, tôi hỏi: “Y Sa giờ ở đâu?”. Nhìn vẻ mặt khấp khởi của tôi, ông chủ quán gật gật đầu. Và ông kể rằng, từ ngày con đường làm xong, người qua lại vùng này nhiều lắm. Người Kinh từ đồng bằng và các thành phố lên nhiều. Người các dân tộc khác từ các tỉnh đến cũng đông. Cả người ngoại quốc nữa. Rồi một ngày không còn thấy Y Sa… “Vô lý”-Tôi bất thần nổi cáu. Ông chủ quán khựng nhìn tôi, rồi thủng thẳng: “Có người bảo Y Sa đã bắt được một anh chồng người Jrai rồi về Chư Păh sống. Có người bảo cô ấy đã lấy một anh kỹ sư cầu đường và theo chồng về Sài Gòn. Có người lại bảo, Y Sa đã gặp một du khách người Đan Mạch rồi theo ông ta về nước. Cả ba khả năng ấy đều có lý đấy”.

Có một cái gì đó tựa hồ một hố sâu bất thần hẫng sụt trong lòng, tôi vội vàng chào ông chủ quán, kéo A Tình lên xe. Về tới nhà A Tình rồi mà tôi vẫn chưa thoát ra khỏi những phức cảm rối bời, mừng vui, buồn ghen lẫn lộn. Như đọc được ý nghĩ trong đầu tôi, mắt A Tình bỗng sáng lên: “Sao anh không đưa ảnh Y Sa lên mạng nhờ người tìm nhỉ?”. Tôi ớ người, khen A Tình có ý tưởng hay. Tôi mở Facebook, viết status tìm Y Sa. Nhưng một bàn tay thon mềm đã nhẹ nhàng che màn hình của tôi lại. Tôi ngẩng lên. Y Mốt nhìn tôi. Một cái nhìn tinh tế và thấu cảm. “Không nên làm thế anh ạ!”.

Ừ nhỉ. Hai mươi năm, mọi chuyện khác rồi. Sao tôi còn lẩn thẩn.

Có thể bạn quan tâm