Báo xuân

Nền tảng số tạo sức bật cho doanh nghiệp Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thúc đẩy phát triển kinh tế số với trọng tâm phát triển doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số và thị trường thương mại điện tử (TMĐT) là nội dung quan trọng được xác định tại Nghị quyết số 04-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai về chuyển đổi số. Tận dụng ưu thế của nền tảng số, nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh đã có những bước phát triển đáng kể, góp phần vào sự tăng trưởng chung của tỉnh.

Tạo thương hiệu TMĐT

Thương mại điện tử là 1 trong 3 trụ cột của kinh tế số. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã tích cực tham gia các sàn TMĐT lớn, uy tín như: Voso, Postmart, Shopee, Sendo, Tiki, Lazada… với doanh thu hàng trăm tỷ đồng. Các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh cũng ngày càng làm chủ công nghệ, xác định rõ lộ trình và lấy việc tập trung xây dựng thương hiệu cửa hàng trên sàn TMĐT làm trọng tâm để phát triển bền vững.

Vietcombank Gia Lai tập trung vào chuyển đổi tư duy sử dụng các dịch vụ ngân hàng số cho khách hàng. Ảnh: Đ.T

Vietcombank Gia Lai tập trung vào chuyển đổi tư duy sử dụng các dịch vụ ngân hàng số cho khách hàng. Ảnh: Đ.T

“Cô Hai Tây Nguyên” là tài khoản của Công ty TNHH một thành viên Bò khô Huy Vũ (huyện Đak Đoa) trên mạng xã hội TikTok shop. Dù chỉ mới thành lập cách đây không lâu, song với những đoạn video ngắn có nội dung giới thiệu quy trình sản xuất, chế biến các sản phẩm từ thịt bò hoặc giới thiệu ẩm thực đặc sắc, “Cô Hai Tây Nguyên” đã thu hút gần 12.000 lượt theo dõi và hơn 68.000 lượt thích. Mỗi video được đăng tải đều thu hút hàng trăm ngàn người dùng tương tác, từ đây đem về lượng đơn hàng khổng lồ cho đơn vị.

Bà Trần Thị Diễm Kiều-Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Bò khô Huy Vũ-chia sẻ: Cùng với kênh bán hàng truyền thống, thời gian qua, Công ty tận dụng tối đa sự phát triển của công nghệ, nhất là các nền tảng mạng xã hội để giới thiệu, quảng bá thương hiệu thịt bò khô Huy Vũ đến đông đảo khách hàng. Bên cạnh sử dụng các sàn TMĐT như Lazada, Shopee, Tiki, fanpage Facebook, Zalo, Instagram… thì việc xây dựng thương hiệu trên TikTok shop đem lại hiệu quả rõ rệt. Không chỉ đơn giản là kênh bán hàng, qua TikTok, chúng tôi xây dựng hình ảnh, thương hiệu để khách hàng tự tìm đến với mình. Từ đó, Công ty cũng có thêm nhiều đại lý, tìm được nhiều đơn hàng hơn. Hiện tại, Công ty đã có đại lý ở phần lớn các tỉnh, thành trong cả nước. Các sàn TMĐT, nền tảng mạng xã hội cũng giúp Công ty tăng 30-40% doanh thu so với cách bán hàng truyền thống.

Tương tự, cơ sở Trùn Quế Gia Lai (huyện Kbang) cũng sử dụng mạng xã hội để tạo dựng thương hiệu, mở rộng mạng lưới khách hàng. Đứng trước thách thức và cơ hội do chuyển đổi số mang lại, anh Nguyễn Văn Hòa-Chủ cơ sở-xác định: Đặc thù của cơ sở là sản xuất kinh doanh ở lĩnh vực nông nghiệp, khách hàng chủ yếu là nông dân. Việc bán lẻ các sản phẩm làm từ trùn quế thông qua mạng xã hội sẽ khó được nông dân tiếp cận. “Vì vậy, tôi chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu nhiều hơn. Khi mình tạo dựng được niềm tin, uy tín bằng cách giới thiệu về quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo… khách hàng sẽ tự tìm đến, liên lạc để giao dịch, đặt hàng. Đó là một thành công lớn. Tôi đã có những đơn hàng từ vài triệu đồng đến cả trăm triệu đồng nhờ tận dụng tốt điểm mạnh của mạng xã hội”-anh Hòa chia sẻ.

Thịnh Phát là thương hiệu độc quyền nổi tiếng hàng chục năm qua trên thị trường kinh doanh các sản phẩm trà, cà phê, hồ tiêu ở Gia Lai. Mặc dù sức tiêu thụ theo kênh bán hàng truyền thống khá ổn định, nhưng nắm bắt xu thế, Công ty TNHH Thịnh Phát Danh Trà cũng đang tiếp cận, tạo dựng thương hiệu trên môi trường số. Ông Hồ Kỳ Huy-Phó Giám đốc Công ty-cho hay: “Vừa qua, Công ty được Sở Công thương hỗ trợ xây dựng website. Chúng tôi cũng đang tìm hiểu các kênh như TikTok, Zalo, khôi phục fanpage Facebook, đặc biệt là đã tạo QR Code truy xuất nguồn gốc cho hơn 20 sản phẩm. Thời gian tới, Công ty sẽ hoàn thiện mẫu mã, bao bì, hình ảnh cũng như quan tâm hơn đến hệ thống thông tin sản phẩm cụ thể hơn lên môi trường mạng để tiếp cận khách hàng”.

Hướng đến doanh nghiệp công nghệ số

Xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, thời gian qua, Công ty Điện lực Gia Lai đã tích cực triển khai công tác này và được xem là một trong những đơn vị dẫn đầu sử dụng công nghệ số trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo ông Bùi Ngọc Hùng-Phó Trưởng phòng Công nghệ-Thông tin (Công ty Điện lực Gia Lai): Trong công tác quản trị doanh nghiệp, Công ty đã sử dụng phần mềm CPC-eOffice, eOffice Chat một cách hiệu quả. 100% cán bộ, công nhân viên có hộp thư điện tử @cpc.vn và đã thực hiện liên thông văn bản với chính quyền địa phương. Các số liệu báo cáo được cập nhật đầy đủ trên Cổng thông tin EVNCPC Portal, triển khai hệ thống KPI và phần mềm KSOP để quản lý, đánh giá hiệu quả công việc. Công tác tổ chức nhân sự cũng được quản lý tập trung trên hệ thống HRMS. Trên lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ khách hàng, Công ty Điện lực Gia Lai đã sử dụng và khai thác hiệu quả hệ thống CMIS 3.0, hóa đơn điện tử, cung cấp dịch vụ điện cấp độ 4, tích hợp chữ ký số... Các ứng dụng phục vụ khách hàng cũng được chú trọng như CRM, website/app CSKH, dịch vụ gửi thông báo qua email, tin nhắn SMS, Zalo... Các hồ sơ, tài liệu, hợp đồng mua bán điện đang từng bước được số hóa. Ngoài ra, đơn vị còn có một số phần mềm đang được triển khai sử dụng như: giám sát mua bán điện CPM, quản lý đo xa DSPM, hệ thống thu thập chỉ số công tơ từ xa RF-Spider…

Công ty Điện lực Gia Lai tích cực ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh (ảnh đơn vị cung cấp).

Công ty Điện lực Gia Lai tích cực ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh (ảnh đơn vị cung cấp).

Bên cạnh đó, Công ty Điện lực Gia Lai có 1 trung tâm điều khiển và 100% trạm biến áp 110 kV đã thực hiện thao tác xa và vận hành theo tiêu chí trạm không người trực. Các phần mềm quản lý kỹ thuật (PMIS), cấp phiếu công tác tập trung, phần mềm thông tin hiện trường, phần mềm kiểm tra hiện trường... cũng được áp dụng đem lại hiệu quả trong công tác quản lý và vận hành lưới điện. Ngoài ra, tất cả các mảng nghiệp vụ khác đều đã có những phần mềm hỗ trợ hoạt động hàng ngày và số hóa thông tin.

Lĩnh vực ngân hàng cũng là nơi ghi nhận sự chuyển đổi số khá mạnh mẽ, đặc biệt là trong việc tạo chuyển biến thói quen tiêu dùng không dùng tiền mặt của người dân. Nổi bật có thể kể đến BIDV Gia Lai. Tính đến ngày 30-11, đơn vị này đạt Top 1 khu vực Tây Nguyên về thu nhập ròng ngân hàng số; Top 3 về số lượng khách hàng mới có phát sinh giao dịch qua smartbanking. Tương tự, Vietcombank Gia Lai cũng có những bước tiến vượt bậc trong việc triển khai cấp đặt hơn 400 điểm mã QR thanh toán tại các địa bàn có phòng giao dịch. Đến thời điểm hiện tại, khoảng 60.000 khách hàng (chiếm khoảng 80%) của đơn vị sử dụng smartbanking… Ông Nguyễn Minh Tuân-Phó Giám đốc Vietcombank Gia Lai-đánh giá: “Chuyển đổi số trong doanh nghiệp luôn là nhiệm vụ hàng đầu, đặc biệt là đối với ngành ngân hàng. Sử dụng công nghệ thông tin, các nền tảng số để phục vụ hoạt động quản lý, kinh doanh đã được chuẩn hóa, liên tục nâng cấp từ trung ương đến cơ sở trong toàn hệ thống Vietcombank từ nhiều năm qua. Giờ đây, ngân hàng tập trung vào chuyển đổi tư duy sử dụng các dịch vụ ngân hàng số cho khách hàng, vừa tạo sự thuận lợi trong các giao dịch, vừa góp phần phát triển kinh tế số”.

Hình thành các doanh nghiệp số là một trong những mục tiêu lớn mà Nghị quyết số 04-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đặt ra đến năm 2030. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ông Phùng Văn Phước-Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư) thông tin: Trong năm 2022, tỉnh đã hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ thực hiện chuyển đổi số, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển TMĐT. Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đẩy mạnh công tác truyền thông, hướng dẫn chuyển đổi số nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp; tạo cầu nối gắn kết, giới thiệu doanh nghiệp về công nghệ số cho các doanh nghiệp có nhu cầu chuyển đổi. Đồng thời, kết nối với Cục Phát triển doanh nghiệp và Trung tâm Chuyển đổi số quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) hỗ trợ tư vấn giải pháp chuyển đổi số và triển khai chuyển đổi số cho 4 doanh nghiệp. Sở cũng phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Viện Nghiên cứu sức khỏe và Phát triển giáo dục Tây Nguyên, Công ty cổ phần Công nghệ mới phát triển quốc tế KTS Việt Nam tổ chức hội nghị tập huấn “Chuyển đổi số trong doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai”.

“Bước đầu, nhận thức của các doanh nghiệp đã có chuyển biến tích cực trong việc tiếp nhận thông tin về chuyển đổi số. Việc sử dụng nền tảng số để quản lý nguồn nhân lực, quảng bá sản phẩm, liên kết hệ thống bán hàng trong và ngoài nước đang được các doanh nghiệp quan tâm thực hiện. Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan hoàn thành việc xây dựng các cơ chế chính sách thu hút và phát triển doanh nghiệp số trên địa bàn tỉnh theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó có các chính sách hỗ trợ công nghệ cho doanh nghiệp (tư vấn giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp thuê, mua các giải pháp chuyển đổi số); hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực về chuyển đổi số; tuyên truyền, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa về chuyển đổi số để thúc đẩy phát triển kinh tế số”-ông Phước cho biết thêm.

Có thể bạn quan tâm